30 năm lặng thầm gắn bó với bệnh nhân phong
(Dân trí) - Gần 30 năm gắn bó công việc với những bệnh nhân phong, ngần nấy năm bác Đào Phi Phụng hưởng trọn niềm vui, nỗi buồn cùng những số phận thiếu may mắn này. Nói về mình, bác chỉ mỉm cười: “Toàn những chuyện bình thường cả mà!”.
Bình dị mà cao cả
Mái tóc bạc phơ, thân hình hao gầy và một nụ cười "thoải mái", bác Đào Phi Phụng tận tình chăm sóc, trò chuyện với các bệnh nhân mắc bệnh phong và sau phong tại khu điều trị phong, làng Tô 1, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Bác đón tiếp chúng tôi ngay tại khu điều trị phong.
Bác Đào Phi Phụng sinh ra và lớn lên tại xã Định Công, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Từ nhỏ, bác phải rời quê nghèo theo cha mẹ lên định cư ở xã Cẩm Sơn, huyện miền núi Cẩm Thủy. Năm 1972, chàng trai Phụng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu chống giặc Mỹ. Những năm trong quân ngũ, chiến sĩ Đào Phi Phụng được đơn vị cử theo học nghề y để phục vụ quân đội. Hơn mười năm phục vụ trong quân đội, năm 1983, bác chuyển ngành về khu điều trị phong và gắn bó với miền đất này từ đó đến nay.
Bác Phụng nhớ lại: “Ngày ấy, lẽ ra mình ở lại thành phố Thanh Hóa, nhưng vì chưa có vợ, lại được cấp trên động viên, khuyến khích về Cẩm Thủy, thế là xung phong về quê cho gần bố mẹ và gia đình thôi. Khi về đây làm việc thì mới hay là mình được phân công về chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân phong”.
Trước kia, khu điều trị phong (thuộc bệnh viện Da liễu Thanh Hóa bây giờ) được gọi là Làng Phong, nằm gọn trong một thung lũng đá vôi, heo hút, cây cối rậm rạp của địa phận Làng Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy. Hàng ngày, đều đặn có bóng dáng một người đàn ông mặc bộ blu trắng, cưỡi “con ngựa sắt” đi gần 10 cây số đến với bệnh nhân phong. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hễ nghe thấy có bệnh nhận bị lên cơn đau hay bệnh nhân mới vào là bác sĩ Phụng lập tức đạp xe đến thăm hỏi.
Cuộc sống của những người mắc bệnh phong trước kia vô cùng khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là sự kỳ thị của xã hội. Dường như mọi hoạt động giao lưu với thế giới bên ngoài đều không có, ngay cả người dân làng Tô cũng xa lánh, không ai dám đến gần khu điều trị. Trẻ con chăn trâu, cắt cỏ càng không dám bén mảng tới gần khu làng phong. Nhưng, bỏ qua sự kỳ thị và xa lánh đó, bác Phụng vẫn cống hiến tuổi xuân, sức lực và tâm huyết với những người bệnh nhân, đem lại tình thương và hơi ấm che chở những số phận thiếu may mắn giữa nơi “rừng thiêng nước độc” này.
Bác Phụng bộc bạch: “Ngày ấy, sự kì thị của người đời đối với bệnh nhân phong rất ghê gớm. Ban đầu khi lên làm công việc này tôi cũng sợ lắm, gia đình không đồng ý, nơi làm việc thì hẻo lánh, lạnh lẽo. Nhưng khi cùng sống, nhìn thấy nỗi đau tâm hồn lẫn thể xác của bệnh nhân, tôi càng quyết tâm làm tốt công việc của mình. Từ đó đến nay, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, khu vực này đã trở nên ấm tình người hơn”.
Nhiều năm gắn bó, tận tình bên các bệnh nhận, hơn ai hết, bác Phụng hiểu được tâm tư, tình cảm, sự buồn tủi của họ nên dù cuộc sống gia đình trước kia gặp rất nhiều khó khăn, bác vẫn quyết gắn bó đời mình với nghề y. Có nhiều lúc vợ con khuyên bác nên rời khỏi cái “thung lũng đau thương” ấy, rồi xin làm ở một nơi khác, nhưng bác không đồng ý.
Hạnh phúc nơi “thung lũng đau thương”
Khi hoàng hôn đã dần buông xuống, chia tay chúng tôi trong nụ cười và ánh mắt đầy lưu luyến, bác sĩ Phụng tự hào: “Làng phong Cẩm Bình giờ không còn heo hút và buồn tủi như trước nữa rồi. Bởi, giữa thung lũng đau thương này đã sinh sôi, nảy nở những gia đình nhỏ êm ấm và hạnh phúc cùng những đứa con lành lặn. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tất cả đều cảm thấy hạnh phúc. Tôi chỉ mong sao, làng phong được xã hội quan tâm nhiều hơn, để những số phận thiệt thòi này có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống”.
Lan Anh - Duy Tuyên