30% công chức thi trượt: “Có gì đáng để… bất ngờ?”
(Dân trí) - "Trong khi tình trạng thi tuyển công chức còn nặng về hình thức như lâu nay, rồi chuyện thi cử học hành mua quan bán chức vẫn còn diễn ra… thì con số đó là hợp lý", ông Hà Tuấn Trung - nguyên Uỷ viên UBKT Trung ương đánh giá.
Thời gian gần đây, dư luận phải nhiều phen giật mình về năng lực, trình độ cũng như thái độ làm việc của công chức. Từ chuyện 30% công chức “cắp ô” đến chuyện chạy công chức không dưới giá 100 triệu đồng và giờ là chuyện 30% công chức “trượt” dự thi nâng ngạch. Đặc biệt hơn, trong số này, nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, những kỳ thi trước đây không theo nguyên tắc cạnh tranh, về cơ bản tất cả những người dự thi đều đỗ, tỷ lệ bị trượt chỉ từ 3-10% (chủ yếu rơi vào số dư), kỳ thi lần này được tổ chức theo tinh thần của Luật Cán bộ công chức, nhằm chọn người có đủ trình độ năng lực để bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trong nền công vụ. Theo kết quả của cuộc thi này thì có tới 30% công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp theo nguyên tắc cạnh tranh vừa qua không đạt điểm để xét.
Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hà Tuấn Trung - nguyên Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra TƯ khoá VII về vấn đề này.
PV: Ông có đánh giá gì về con số 30% công chức dự thi không đạt điểm để xét nâng ngạch?
Ông Trung: Con số đó lớn quá, rất đáng báo động.
Dường như ông vẫn chưa hết bất ngờ với con số “rất đáng báo động” đó?
Ông Trung: Tôi hoàn toàn không bất ngờ. Trong khi tình trạng thi tuyển công chức còn nặng về hình thức như lâu nay, rồi chuyện thi cử học hành mua quan bán chức vẫn còn diễn ra… thì con số đó là hợp lý. Thậm chí theo tôi, nếu làm gắt gao tại các địa phương thì con số này có thể còn cao hơn thế nữa.
PV: Ông nghĩ sao khi trong số 30% tạm gọi là “thi trượt” đó, nhiều người đang giữ cương vị lãnh đạo cấp Cục, thậm chí là Tổng cục?
Ông Trung: Có thể soi rọi vào đó và phần nào khẳng định chất lượng cán bộ hiện nay, thực tế nó là như thế. Từ đó cũng phải đặt ra các vấn đề khác như: vấn đề đào tạo về năng lực đạo đức cán bộ, vấn đề học giả học thật rồi bằng giả bằng thật… Có quá nhiều vấn đề có thể rút ra từ “con số biết nói” đó.
PV: Vậy hoặc giả, những con số đó mà biết “nói năng”, theo ông, sẽ là điều gì?
Ông Trung: Đó là hệ quả tất yếu của rất nhiều vấn đề khác mang tính hệ thống mà bao nhiêu năm nay chúng ta chưa giải quyết được. Hay nói đúng hơn, chúng ta phải loay hoay tìm cách giải quyết nhưng “bịt” chỗ này thì lại “lòi” chỗ khác. Trong cách tuyển chọn, nhìn nhận, chúng ta đặt nặng vấn đề bằng cấp, đẩy theo bao người chạy theo bằng cấp, thậm chí chạy đủ mọi cách để chạy bằng cấp, chạy chức quyền… Những chuyện đó là đương nhiên, nếu không chấn chỉnh một cách hệ thống thì sự việc vẫn cứ tiếp tục.
Đi đến tận cùng của vấn đề này thì nó là chủ trương chung chỗ này chỗ khác còn bảo thủ dẫn đến tình trạng tham nhũng không giải quyết được. Tất cả những vấn đề chạy chức chạy quyền rồi cũng trở về với vấn đề tham nhũng thôi.
Muốn giải quyết thì phải sửa lại một cách triệt để, không thể thực hiện lặt vặt như khâu vá từng miếng một thì khó giải quyết được tận gốc vấn đề. Mà nói như ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch quốc hội là phải sửa lỗi ở gốc.
PV: Câu chuyện 30% công chức dự thi nâng ngạch không đạt điểm để xét khiến ông gợi nhớ tới kỷ niệm gì trong quá trình công tác?
Ông Trung: Rõ ràng năng lực công chức đóng vai trò quan trọng trong nền hành chính công. Cắt nghĩa nguyên nhân xảy ra tình trạng năng lực trình độ, thái độ làm việc của nhiều công chức hiện nay thấp, đã nhiều người hỏi tôi về chuyện chạy chức chạy quyền ngày trước. Ngày xưa những trường hợp như thế cũng có nhưng dễ chống hơn, còn ngày nay thì nhiều cái khó.
Nếu nói về thời kháng chiến, chỉ phát sinh những trường hợp cá biệt thôi, mà cá biệt thì xử lý dễ. Giai đoạn gần ngay sau đổi mới đã xuất hiện nhiều hơn… Còn bây giờ tình trạng này đã không phải là cá biệt nữa. Ngày xưa tập trung vào kháng chiến, xây dựng bộ máy cách mạng còn bây giờ thì cá nhân, thân ai người nấy lo nên nhiều người sẵn sang tìm mọi cách làm giàu bằng bất kể cách nào…
Phúc Hưng