3 tháng "giải cứu lợn" giúp người chăn nuôi giảm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng
(Dân trí) - Sau 3 tháng triển khai "giải cứu lợn", giá lợn hơi đã tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg. Mức tăng này giúp người chăn nuôi lợn giảm thua lỗ từ 1.500 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng/tháng…
Chiều nay (29/8) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển ngành chăn nuôi lợn”.
Giảm 500.000 lợn nái, chiếm 20% tổng đàn lợn nái của cả nước; hàng trăm nghìn tấn thịt lợn được tiêu thụ là kết quả sau 3 tháng triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động.
Các đại biểu cho rằng, mặc dù là giải pháp tình thế nhưng việc “giải cứu” thời điểm đầu tháng 5 vừa qua đã giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão giá”.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, bài học kinh nghiệm qua đợt giải cứu vừa qua là nhờ giảm quy mô đàn nái, đồng thời kích cầu mặt hàng thịt lợn với sự tham gia của các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân, cũng như giảm chi phí sản xuất; hỗ trợ tài chính và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn đã cơ bản góp phần ổn định thị trường thịt lợn.
Sau 3 tháng triển khai, giá lợn hơi đã tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg, với mức tăng này giúp người chăn nuôi lợn giảm thua lỗ từ 1.500 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng/tháng…
Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, về lâu dài để ổn định thị trường và phát triển ngành chăn nuôi lợn cần sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong đó cân đối cung- cầu, cải tạo đàn lợn nái theo hướng nâng cao chất lượng; giảm giá thành và nâng cao giá trị bằng công nghệ chế biến. Song song đó ngành chăn nuôi lợn phải chú trọng đến sản xuất chuỗi giá trị.
Liên kết theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng và bền vững cho ngành chăn nuôi. Cần đề cao vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu, khuyến khích cho các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia phát triển chuỗi. Nhất là tuyên truyền cho nông dân về tầm quan trọng và sự cần thiết chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Bởi nông dân đang sản xuất tự do, không cần biết là chăn nuôi ra sẽ bán đi đâu.
Thẳng thắn nhìn nhận bất cập của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi phải thay đổi cách tiếp cận mới trước những tồn tại và hạn chế về tổ chức sản xuất và khai thông thị trường.
Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu là quy mô nông hộ với năng suất thấp, rất khó quản trị, nhiều rủi ro khi bất lợi về thị trường.
Ngoài ra, công nghệ chế biến và bảo quản cũng như tổ chức khai thác thị trường kể cả trong nước và nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Phải nhận dạng lại ngành chăn nuôi trong bối cảnh mới. Một là sức sản xuất hiện nay cung vượt cầu, thứ hai là nhu cầu và khả năng tổ chức lại thị trường.
Cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi lợn theo 2 hướng: một nhánh đi theo hướng sản xuất công nghiệp tập trung hạ giá thành, sử dụng con giống, thức ăn, áp dụng quản trị tốt; thứ hai là cần đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng các sản phẩm lợn đặc sản.
Tổ chức lại sản xuất cũng phải thay đổi. Theo đó, chăn nuôi nông hộ và doanh nghiệp cũng phải theo chuỗi, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Theo Cục Chăn nuôi, đàn lợn trong nước, trong đó có đàn nái tăng cao bất thường vào năm 2015 và nhất là năm 2016. Trong tổng đàn lợn của cả nước 29,2 triệu con có đến 4,2 triệu lợn nái khiến giá sản phẩm giảm mạnh.
So với những lần biến động giá trước đó, giá lợn những tháng cuối năm 2016 và trong quý 1, quý 2 năm nay là đợt giảm sâu và lâu nhất. Giá lợn giảm thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến ngành chăn nuôi hầu hết sản phẩm đều bán dưới giá thành, rơi vào tình cảnh thua lỗ.
Nguyễn Dương