1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

3 kịch bản ứng phó cơn bão mạnh Rai

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Cơn bão sắp vào Biển Đông có tên quốc tế là Rai, được dự báo là cơn bão mạnh. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã đưa ra 3 kịch bản chi tiết để ứng phó.

Tại cuộc họp trực tuyến về ứng phó với cơn bão có tên quốc tế là Rai, diễn ra sáng nay (15/12) tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyên gia cảnh báo bão Rai dự kiến sẽ vào Biển Đông vào đêm 17/12 đến sáng 18/12.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), cho biết, hiện nay dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cũng như các đài dự báo quốc tế đang khá thống nhất về cường độ, đường đi, khu vực đổ bộ của bão Rai. 

Theo ông Hoài, đây là cơn bão cuối mùa của năm 2021, Ban Chỉ đạo đã đưa ra 3 kịch bản ứng phó với cơn bão này.

3 kịch bản ứng phó cơn bão mạnh Rai - 1

Ông Trần Quang Hoài nêu 3 kịch bản ứng phó với bão Rai. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo ông Hoài, hiện nay Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chưa phát tin chính thức về cơn bão này nhưng các đài khu vực và quốc tế dự báo tương đối giống nhau về cường độ, hướng di chuyển của bão Rai trong 24 và 48 tiếng và đưa ra nhận định xa như sau:

Dự báo của đài Hoa Kỳ, bão Rai sẽ mạnh đến cấp 14-15 trên Biển Đông trong các ngày 18-19/12; Đài Nhật Bản nhận định, bão sẽ mạnh cấp 12-13 trong các ngày 18-19/12; còn theo đài dự  báo của Hồng Kông, bão Rai có thể đạt cường độ cấp 14 trong ngày 19/12;...

"Hiện nay, một bộ phận không khí lạnh đang suy yếu và di chuyển xuống phía Nam. Đến ngày 17/12, một đợt không khí lạnh mới được tăng cường, có thể tác động đến cường độ, hướng di chuyển của bão. Do vậy, khu vực ảnh hưởng của bão có thể là toàn Biển Đông", ông Hoài nói.

Nói về cơ sở để đưa ra 3 kịch bản ứng phó, ông Hoài cho biết, dựa vào thông tin của Trung tâm Dự  báo khí tượng thủy văn Quốc gia; quy luật, kinh nghiệm ứng phó thời gian qua; nguy cơ rủi ro đến dân sinh, kinh tế xã hội khu vực bão ảnh hưởng, nhất là trên biển, ven biển, công trình phòng, chống thiên tai, nhà ở,... và khả năng ứng phó của người dân, địa phương và quốc gia.

3 kịch bản chỉ đạo điều hành ứng phó với bão số 9 (bão Rai) cụ thể như sau:

Kịch bản thứ Nhất, bão chỉ ảnh hưởng trên Biển Đông. Hiện nay, cơ quan dự báo quốc tế gồm Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản, Hồng Kông,... đều nhận định chung vùng ảnh hưởng của bão chỉ trên Biển Đông.

Với kịch bản này, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch ra khơi đánh bắt vụ Cá Bắc từ ngày 19-21/12; Kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu.

Ngoài ra, các địa phương cần tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú; Triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; Chủ động cấm biển đối với các loại tàu, thuyền; Rà soát phương án đảm bảo an toàn dân cư khu vực ven biển đang bị sạt lở nghiêm trọng; công trình đang thi công trên biển, ven biển;...

3 kịch bản ứng phó cơn bão mạnh Rai - 2

Dự báo của Windy, bão Rai sẽ mạnh nhất ở cấp 12 trên Biển Đông trong ngày 19/12.

Kịch bản thứ Hai, bão số 9 đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ (các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận). Đây là khu vực có số lượng tàu thuyền hoạt động lớn nhất cả nước; dân sinh kinh tế, công nghiệp, du lịch hoạt động sôi động khu vực ven biển, khu vực nhiều hồ chứa; sông suối nhiều, dốc ngắn nên nguy cơ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản; đặc biệt nếu bão đổi hướng thì trong khoảng thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven bờ và đất liền.

Đối với kịch bản này, các địa phương cần chủ động rà soát phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn đối với nhà ở không an toàn do bão, nhà có nguy cơ cao ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển theo hướng xen ghép và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị phải vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình, hạ du; đối với những hồ mực nước còn thấp cần tích nước phục vụ sản; Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương; Chỉ đạo công tác phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông thời điểm bão đổ bộ.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chỉ đạo đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân; chủ động tiêu nước đệm khu vực đã xuống giống; phục hồi sau bão để kịp thời vụ sản xuất.

"Với kịch bản này, các địa phương, đơn vị phải bố trí sẵn sàng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực trọng điểm để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra", ông Hoài nói.

Kịch bản thứ Ba, bão số 9 đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Kịch bản này khả năng không cao như 2 kịch bản trên, song đây là khu vực có khả năng chống chịu, cơ sở hạ tầng không cao, đặc biệt rất nhiều nhà dân chưa đảm bảo an toàn; người dân và chính quyền cơ sở ít kinh nghiệm và không thường xuyên ứng phó với bão, dễ có tâm lý chủ quan, nếu chịu tác động của bão mạnh sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Theo ông Hoài, ngoài các phương án ứng phó tương tự như 2 kịch bản trên, khu vực này chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng ứng phó và thông tin đến người dân trong khu vực (đây là khu vực người dân ít kinh nghiệm ứng phó với bão);...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm