3% đất đai chưa được cấp sổ đỏ là rất lớn
(Dân trí) - Băn khoăn về việc hiện nay mới cấp được 97% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (sổ đỏ), 3% chưa cấp được, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai làm rõ vướng mắc, chồng chéo và phải đặt ra mục tiêu rõ ràng để giải quyết sớm tồn tại này.
Tại hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2018 vừa diễn ra, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, cơ quan này đã hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cho 63/63 tỉnh, thành phố. Chính phủ đã có nghị quyết phê duyệt cho 58 tỉnh, thành phố.
Năm qua, Tổng cục Quản lý đất đai đã triển khai thực hiện xong các nội dung thanh tra tại 4 địa phương (Thái Nguyên, Đồng Nai, Đắk Lắk và Cần Thơ); kiểm tra việc xử lý các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng tại 5 thành phố; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm của cơ quan quản lý và người sử dụng đất. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đất đai để bảo đảm chính sách phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý đất đai còn tổ chức kiểm tra, làm rõ một số vụ việc nổi cộm được báo chí phản ánh và theo chỉ đạo đột xuất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng. Điển hình như: vụ việc chuyển mục đích rừng ở tỉnh Lâm Đồng, vụ việc chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Khánh Hòa; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án Khu đô thị, Khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn tại 7 tỉnh, thành phố,…
Cơ quan này cũng đã tiếp nhận 692 trường hợp phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất thông qua đường dây nóng; đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giải quyết 234 trường. Các thông tin phản ánh chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... Nội dung phán ánh tập trung nhiều về các lĩnh vực như đăng ký, cấp giấy chứng nhận, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và các dự án chậm triển khai.
Quản lý đất đai như quản lý ngôi nhà, các đồ vật quý hiếm
Chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, quản lý đất đai là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của ngành tài nguyên và môi trường. Những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này. Vì vậy, các cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động của lĩnh vực quản lý đất đai có tác động trực tiếp đến đất nước, đến toàn thể người dân và doanh nghiệp.
Ngành quản lý đất đai đã giảm hơn một nửa thời gian, giảm hơn 50% thành phần hồ sơ khi làm thủ tục liên quan đến đất đai đã khiến nhiều người dân và doanh nghiệp phấn khởi. Điều này có tác động lớn đến nền kinh tế, đến từng người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu ngành quản lý đất đai “cần phải quản lý tài nguyên này như quản lý ngôi nhà, quản lý các đồ vật quý hiếm của mỗi cá nhân, gia đình chúng ta”.
Theo ông, đề cập đến các vướng mắc đất đai là nói đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, các dự án BT đất đai, các loại hình sản phẩm bất động sản mới, các dự án Condotel... Đối với các ý kiến cho rằng chính sách đất đai còn chồng chéo, còn chưa khớp với các luật về đấu thầu, các luật về tín dụng,… cần được nghiên cứu, giải quyết sớm.
Ông Hà cũng băn khoăn về việc hiện nay mới cấp được 97% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, còn 3% chưa cấp được. Vậy đâu là vướng mắc, chồng chéo lên nhau, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, giữa Bộ này với Bộ khác…
Từ đó, Bộ trưởng khẳng định 3% đất đai chưa cấp được “sổ đỏ” là rất lớn, đòi hỏi ngành quản lý đất đai phải đặt ra mục tiêu rõ ràng về chính sách, mục tiêu rõ ràng để phục vụ người dân, mục tiêu rõ ràng để chúng ta thay đổi cơ chế điều hành và giải quyết sớm tồn tại này.
Tổng cục Quản lý đất đai cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với các địa phương để hướng đến mục tiêu quản lý tốt nguồn lực đất đai vì mục đích lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thế Kha