3 cơ sở xả thải gây ô nhiễm sông Bưởi bị phạt gần 4 tỷ đồng

(Dân trí) - Liên quan đến việc cá chết nổi trắng sông Bưởi gây bức xúc dư luận thời gian qua, hôm nay (17/5), ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chính thức ký quyết định xử phạt 3 công ty, cơ sở chăn nuôi với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.

Quyết định xử phạt gần 4 tỷ đồng đối với 3 công ty, cơ sở chăn nuôi xả thải ra sông Bưởi dẫn tới cá chết hàng loạt có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay 17/5 (Ảnh: Duy Tuyên)
Quyết định xử phạt gần 4 tỷ đồng đối với 3 công ty, cơ sở chăn nuôi xả thải ra sông Bưởi dẫn tới cá chết hàng loạt có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay 17/5 (Ảnh: Duy Tuyên)

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường do ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ký duyệt, 3 công ty, cơ sở chăn nuôi bị xử phạt số tiền “khủng” gồm: Công ty TNHH Một thành viên Tân Hiếu Hưng, Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình và Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng (đều nằm trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình)

Cụ thể, Tổng cục Môi trường xử phạt Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng trên 1,92 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động sản xuất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/5/2016.

Tổng cục Môi trường buộc công ty này phải đình chỉ và khắc phục hậu quả vi phạm do các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt thực hiện ngay các biện pháp khắc phục như: Lập bổ sung thiết kế cơ sở đối với các công trình bảo vệ môi trường và khẩn trương cải tạo, nâng cấp và xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải vào mương thoát nước ra sông Bưởi (do nước sông Bưởi được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân sinh sống trong khu vực và phía hạ lưu có Nhà máy cấp nước sinh hoạt của Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Thanh Hóa - Chi nhánh Thạch Thành đang khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân khu vực Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá); cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; lập nhật ký vận hành, sổ theo dõi hóa chất và nguyên vật liệu sử dụng, lắp đặt đồng hồ công tơ điện riêng biệt cho Trạm xử lý nước thải tập trung…

Ngoài ra, phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với nước thải sau xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường. Cửa xả nước thải ra mương thoát (nơi tiếp nhận nước thải) phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường.

Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng cũng phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm mùi, xử lý khí thải đảm bảo khí thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của QCVN19:2009/BTNMT; cải tạo khu lưu giữ chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại theo quy định hiện hành.

Đối với hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình, Tổng cục Môi trường xử phạt tổng số tiền trên 1,78 tỷ đồng; tổng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 20/5/2016.

Quyết định xử phạt buộc công ty này phải lập thiết kế cơ sở đối với các công trình bảo vệ môi trường theo quy định và khẩn trương xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào mương thoát nước ra sông; cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; lập nhật ký vận hành, sổ theo dõi hóa chất và nguyên vật liệu sử dụng, lắp đặt đồng hồ công tơ điện riêng biệt; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với nước thải sau xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường…

Ông Nguyễn Ngọc Sáng (chủ Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng) bị Tổng cục Môi trường xử phạt tổng số tiền trên 194 triệu đồng và phạt bổ sung đình chỉ hoạt động xả nước thải gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 20/5/2016.

Chủ cơ sở chăn nuôi này phải đình chỉ và khắc phục hậu quả vi phạm do các hành vi vi phạm hành chính nêu trên gây ra, đặc biệt thực hiện ngay các biện pháp khắc phục cụ thể: Bổ sung thiết kế cơ sở đối với các công trình bảo vệ môi trường theo quy định và xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi thải vào mương thoát nước ra sông Bưởi; cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; lập nhật ký vận hành, sổ theo dõi hóa chất và nguyên vật liệu sử dụng, lắp đặt đồng hồ công tơ điện riêng biệt cho hệ thống xử lý nước thải; vận hành đúng quy trình của hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra môi trường.

Chủ cơ sở này phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm mùi đảm bảo khí thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; cải tạo khu lưu giữ chất thải chăn nuôi, chất thải nguy hại theo quy định hiện hành…

Quyết định xử phạt cũng buộc 3 công ty, cơ sở chăn nuôi nói trên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Kinh phí đền bù thiệt hại về kinh tế do công ty, cơ sở chăn nuôi thống nhất với các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trên cơ sở kết quả thống kê thiệt hại của UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Đồng thời với đó, phải bồi thường thiệt hại về môi trường do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra; thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi do hành vi vi phạm hành chính của công ty gây ra. Kinh phí bồi thường thiệt hại về môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa đánh giá trên cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý.

Kế hoạch khắc phục xong các hậu quả vi phạm nêu trên và hồ sơ thiết kế xây dựng phải được gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và Tổng cục Môi trường trước ngày 20/6/2016; hoàn thành việc khắc phục các hậu quả vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và Tổng cục Môi trường trước ngày 30/9/2016 để kiểm tra, giám sát và xác nhận hoàn thành theo quy định.

Tổng cục Môi trường cho biết, 3 quyết định xử phạt nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5/2016.

Trước ít nhất 15 ngày làm việc kể từ thời điểm hết thời hạn đình chỉ hoạt động sản xuất, các đơn vị trên phải có văn bản báo cáo, kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình và Tổng cục Môi trường để được kiểm tra, xác nhận đẵ khắc phục xong hậu quả vi phạm trước khi đi vào hoạt động trở lại theo quy định.

Thế Kha