25 năm - đêm nào cũng thức...
Ngày 11/7/2007, khi bão Man-Yi mạnh lên cấp 12-13, tung hoành trên vùng biển Philippines thì Cần Thơ mưa tầm tã. Tôi vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ trong mưa đêm tưng bừng, ngồi bên bếp lửa nóng rực cạnh những con người nhân hậu. Đã 25 năm qua, cái bếp ăn từ thiện này không đêm nào ngừng nổi lửa.
25 năm qua, cả trăm ngàn người từng được no bụng, ấm lòng nhờ sự hy sinh thầm lặng của những con người “chong mắt đêm thâu”...
Tô cháo, chén cơm tình thương trong thời kỳ khó khăn
Năm 1982 - Thời điểm đất nước khó khăn gay gắt về lương thực, phải ăn độn khoai sắn, bo bo…; thời kỳ tỉnh Hậu Giang (chưa chia tách, bao gồm cả TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang hiện nay) giương cao khẩu hiệu “Hậu Giang cùng cả nước - vì cả nước” mà sẻ chia từng hạt gạo… Tổ Từ thiện được thành lập với hai “sản phẩm truyền thống”: Cháo và nước sôi, sau đó thêm cơm trắng. Tới tháng 7 năm nay, khu bếp từ thiện ở BVĐK Cần Thơ đã tròn 25 năm “nổi lửa”.
Không ai quên bác Bảy Cò Ke - một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tu tại gia - người đầu tiên biến ước mơ trao tặng chén cháo trắng, bình nước sôi cho bệnh nhân nghèo tại BVĐK Cần Thơ thành hiện thực vào ngày này 25 năm trước. Bác Bảy Cò Ke từng nói: “Đức Thầy dạy rất nhiều nhưng tựu trung lại là dạy lòng thương người thôi, đâu phải chuyện gì xa vời, mà lòng thương người thì ít nhiều ai cũng có”.
Ý tưởng của bác Bảy Cò Ke và các đồng đạo được Ban Giám đốc BVĐK Hậu Giang thời ấy hết lòng ủng hộ. 25 năm qua, đội ngũ lãnh đạo của BVĐK nhiều lần thay đổi nhưng sự trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất cho bếp ăn từ thiện này hoạt động thì vẫn nồng ấm như buổi đầu. Bác Bảy Cò Ke đã già yếu lắm, bưng chén cháo cũng run tay nên ông cụ đã trở về quê nhà. Tôi tiếc rằng mình không gặp được ông và rất nhớ cái dáng tiên phong đạo cốt của một người lấy việc thiện làm mục đích sống suốt cuộc đời mình.
Mỗi năm “lên nồi” trên 160 tấn gạo
Ai bảo nấu cháo trắng “dễ ợt”? Nấu một nhúm gạo để có tô cháo sánh, ngon đã khó, mà nấu hàng trăm ký gạo... cháo vẫn ngon càng khó hơn! Gạo sàng sảy, vo sạch để thật ráo nước, rồi mới trút vào hàng chục cái nồi khổng lồ đang sôi nước có dằn trước chút muối. Đơn giản thôi nhưng bí quyết là đấy. Làm như vậy, cháo không bị trào ra khỏi nồi, hạt gạo bung đều và không bao giờ đọng xuống bám đáy nồi gây khê khét. 10 năm đầu, cháo nấu bằng lò trấu. Cháo ngon chừng nào thì người nấu lò trấu cực chừng đó.
Một đêm nấu cả trăm ký gạo, người nấu phải thức trắng đêm canh lửa cho đều, làm sao khi cháo vừa dẻo mịn thì trấu trong lò chỉ còn vừa đủ để “ủ lửa” - giữ cho cháo được hồ hóa thêm sánh, nóng đều đến tô cháo cuối cùng được cấp phát. Sau này nấu cháo bằng than tổ ong thì tiện nhưng cũng chẳng nhẹ nhàng chút nào. Sức nóng than tổ ong gấp 2-3 lần trấu, một phút lơ là thì cả nồi cháo bị khê, mà khê thì phải bỏ đi.
Tất bật đến mấy những chiếc nồi khổng lồ còn nóng hổi vẫn được chùi rửa sạch bong trước khi vào mẻ cháo mới. Vì nồi còn dính dù chỉ một chút cặn cháo thôi cũng nhanh chóng gây khét ở đáy nồi trong khi gạo còn chưa kịp bung nở. Cháo phát miễn phí mà được nấu cẩn trọng đến thế với tất cả thiện tâm và trách nhiệm.
“Của cho” là vậy, “cách cho” thì sao? Nói là “cháo tình thương vì bệnh nhân nghèo” nhưng ai đến cũng có phần. Cứ thấy bình thủy thì rót nước sôi; bát thì múc cháo. Không ít người nghèo đi nuôi thân nhân bị bệnh, nhờ bếp ăn từ thiện này mà ấm lòng qua cơn thắt ngặt.
Dì Hai Láng phụ trách Tổ Từ thiện cho tôi những con số biết nói: “Mỗi ngày, số gạo nấu cơm là 450kg, cao điểm có ngày nấu nửa tấn gạo. Bếp ăn từ thiện mỗi ngày cung cấp miễn phí 1.000 suất cơm, 700 suất cháo cho bệnh nhân BVĐK Cần Thơ; 500 suất cơm và 500 suất cháo cho BV Nhi đồng Cần Thơ. Riêng nước sôi thì cung cấp khoảng 2.000 lít/ngày. Tính ra một năm số gạo “lên nồi” trên 160 tấn. Số tiền mua chất đốt mỗi tháng khoảng 4 triệu”.
“Chia lửa” cho cả vùng thiên tai đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung
Tôi hoảng: “Tìm đâu ra cả “núi gạo” ấy hở trời?”. Dì Hai Láng cười hiền lành: “Tuy bếp ăn từ thiện do bác Bảy Cò Ke và các đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo khởi xướng nhưng tồn tại được đến ngày nay là nhờ sự đóng góp của đông đảo những tấm lòng nhân ái.
Chúng tôi biết ơn Ban Giám đốc BVĐK Cần Thơ đã dành cho chúng tôi ngôi nhà lớn nằm trong khuôn viên bệnh viện (khoảng 300m2) và ủng hộ 100% tiền điện, nước. Thời gian đầu mới thành lập thì còn phải đi vận động nhưng sau đó trước thực tế những gì Tổ Từ thiện đã làm, bếp ăn tình thương nhận được hỗ trợ vô bờ bến của các nhà hảo tâm.
Có kiều bào trong một lần về nước vô BVĐK Cần Thơ thăm người thân, thấy anh chị em làm việc tận tụy đã ủng hộ và vận động nhiều bạn bè nữa. Nói để các em cháu mừng, từ dàn nồi nấu loại tốt, bếp gas hấp cơm bảo đảm vệ sinh, nóng sốt, cho đến ký đường, muối tiêu, củ cải, dưa muối... đều có từ những tấm lòng nhân ái bền bỉ suốt 25 năm qua. Gạo thì... đừng lo, lượng dự trữ luôn đảm bảo đủ nấu trong 10 tháng!”.
Dì Hai Láng và các cô chú trong Tổ từ thiện cho biết một thông tin bất ngờ: năm nào “bếp nhỏ” này cũng “chia lửa” cho đồng bào vùng thiên tai. Các cô chú tổ chức thành nhiều đoàn mang gạo đi cứu trợ đồng bào ở miền Trung như Huế, Bình Thuận... cứu trợ đồng bào vùng lũ ĐBSCL; giúp gạo cho các hộ nghèo Cần Thơ, Hậu Giang; góp gạo cho Mặt trận Tổ quốc TP Cần Thơ trong các đợt quyên góp do Trung ương MTTQVN phát động.
Làm việc thường trực ở Tổ Từ thiện BVĐK Cần Thơ có 20 người, có khi hàng chục cô chú từ nhiều nơi khác tụ về trợ giúp. Các cô chú ngủ trên sàn xi măng, ngủ ở bất kỳ đâu có thể chợp mắt được chút ít . Làm việc tự nguyện không đòi hỏi gì, lao động từ 4 giờ sáng đến 10 giờ khuya, bất kể thời tiết nóng bức hay mưa dầm. Có những ngày mưa bão kéo dài, người nuôi bệnh co ro, lo lắng, thao thức lắng nghe tiếng thở của người thân thì bếp tình thương vẫn đúng giờ nổi lửa. Hừng sáng là cháo, nước sôi đầy đủ, gạo nấu cơm trưa đã vo sạch sẵn sàng.
Dì Hai Láng nói: “Chúng tôi mừng vì bếp ăn từ thiện đã chia sẻ được một chút khó khăn cho người nghèo. Chúng tôi chỉ buồn một nỗi, ngoài ít cơm, cháu, nước sôi nói trên, chúng tôi không biết làm gì để làm giảm nỗi đau bệnh tật cho bà con mình. Chỉ biết dốc sức làm việc và thiện tâm cầu nguyện”.
Trên đường tôi về, trời đổ cơn mưa lớn và gió tạt ngang đảo cả xe. Tôi không thấy sợ và không thấy lạnh. Bên tôi có một căn bếp tình thương 25 năm rồi không đêm nào tắt lửa...
Theo Nguyễn Thị Kỳ
Sài Gòn Giải Phóng