24 triệu USD “vô tích sự”

Để giải quyết các vấn đề về giao thông, Hà Nội đầu tư tới 24 triệu USD cho "Dự án tăng cường năng lực giao thông đô thị", trong đó phần lớn là vốn vay Ngân hàng Thế giới. Dự án từng thắp lên hy vọng cho hàng triệu người dân thành phố về một bộ mặt đô thị mới, nhưng…

Chưa có con số kết luận chính thức của các cơ quan chức năng nhưng từ những gì đã diễn ra, nhiều người đã thẳng thắn: "Có lẽ đây là một dự án lãng phí tiền của nhiều nhất của ngành giao thông". Toàn bộ 24 triệu USD được đầu tư cho nhiều hạng mục như tổ chức lại giao thông ở các phố cổ và các khu phố kiến trúc kiểu Pháp, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, mua sắm trang thiết bị... Điều đáng nói là tất cả các hạng mục trên đều không đạt được mục tiêu mà chủ đầu tư hứa với người dân trước khi triển khai dự án.

 

Trước khi triển khai tổ chức lại giao thông ở các tuyến phố cổ và khu phố kiến trúc kiểu Pháp (như Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Thợ Nhuộm, Phan Chu Trinh...), Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo chủ đầu tư (Sở Giao thông - Công chính và Ban Quản lý dự án giao thông đô thị làm đại diện chủ đầu tư) là hiện trạng giao thông cũng như mức độ tai nạn giao thông ở các tuyến phố này chưa phức tạp đến mức phải bỏ ra hàng tỉ đồng để tổ chức lại giao thông. Tuy nhiên chủ đầu tư đã bỏ ngoài tai lời khuyến cáo này, thuê tư vấn nước ngoài thiết kế để tổ chức lại giao thông.

 

Cùng với việc chuyển đổi một số tuyến đường sang lưu thông một chiều với ý định là phân rõ phần đường của phương tiện thô sơ và xe cơ giới, người ta dùng bê tông nhựa màu nâu đỏ rải cho phần đường của xe thô sơ, bê tông nhựa màu đen rải cho phần đường xe cơ giới, đắp những con lươn ở một số nút giao thông. Chưa "tăng cường năng lực giao thông đô thị" thì mọi người tham gia giao thông vẫn đi lại bình thường, nhưng khi đổ hàng chục tỉ đồng vào cải tạo thì tình trạng giao thông bị hỗn loạn ở nhiều tuyến phố, tai nạn xảy ra nhiều hơn.

 

Các nút Cát Linh - Tôn Đức Thắng, Thái Hà - Tây Sơn đang rộng rãi là thế, chẳng hiểu đơn vị tư vấn nghiên cứu kiểu gì mà họ lại cho thu hẹp lòng đường lại. Ở Cát Linh - Tôn Đức Thắng thì người ta đắp một cái đảo giao thông mà Ban Quản lý dự án giao thông đô thị gọi là "giọt nước" để cho ô tô quay đầu cho thuận tiện. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, chiều đường này được đổi thành một chiều. "Giọt nước" trở thành... "giọt lệ" trong các vụ tai nạn.

 

Bồn hoa đắp dọc theo đường Tây Sơn (dài vài trăm mét) cũng chịu chung số phận. Đắp lên rồi nhưng người ta thấy không hợp lý lại thuê người đập nó ra. Hầu hết các nút giao thông nằm trong khuôn khổ của dự án như hành lang Bạch Mai, một số tuyến phố cổ, phố kiến trúc kiểu Pháp đều được dựng lươn một cách hết sức tùy tiện. Tất nhiên sự bất hợp lý không cho phép những con lươn này tồn tại được lâu.  

 

Không chỉ đơn giản là hai màu khác nhau, kết cấu của hai phần đường sơn màu đỏ, màu đen cũng rất khác nhau. Vì thế việc dùng bê tông nhựa màu nâu đỏ và bê tông nhựa màu đen để phân biệt các làn xe cơ giới và xe thô sơ là hết sức lãng phí tiền của. Trước khi hạng mục này thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi chủ đầu tư khuyến cáo vì là đường nội đô, do đó nên đồng nhất kết cấu làn xe cơ giới với làn xe thô sơ... Hiện tại, tất cả các tuyến đường được thảm bê tông nhựa hai màu như Trần Quang Khải, Quang Trung, Ngô Quyền, Tây Sơn, Lê Thánh Tông... đều không có hiệu quả, xe thô sơ vẫn đi chung phần đường với xe cơ giới.  

 

Nằm trong khuôn khổ dự án, hơn 1 triệu USD  đã được đầu tư để mua sắm ô tô, xe máy, trong đó có hơn 2 tỉ đồng mua 20 xe máy 250 cc hiệu Rebel. Số xe này đã được chuyển cho Phòng Cảnh sát giao thông quản lý, sử dụng. Oái oăm thay, các chiến sĩ cảnh sát thì vẫn thiếu xe chuyên dụng nhưng lại không thể dùng được những chiếc xe này vì nó "quá thấp và dân chơi đi thì hợp hơn cảnh sát" như lời một chiến sĩ. Thế là đành phải cắn răng đắp chiếu để đấy.

 

Để tiêu hết số tiền vay, người ta lại nghĩ đến những cột đèn tín hiệu giao thông. 40 tỉ đồng (2,5 triệu USD) đã được đầu tư cho hạng mục này. 23 nút tín hiệu đèn giao thông đang hoạt động bình thường được chủ đầu tư đào lên, thay bằng cột, đèn mới. Nhưng những cột đèn mới được đầu tư cũng không hợp lý. Trong khi các địa phương khác sử dụng hệ thống đèn tín hiệu báo giây thì Hà Nội vẫn bỏ tiền ra lắp mới hệ thống đèn cổ điển. Khoảng cách giữa các nút tín hiệu và độ cao của cột cũng rất bất cập, nhiều khi ảnh hưởng đến việc lưu thông của các luồng xe.

 

Theo Xuân Toàn
Thanh Niên