1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

23 câu hỏi chất vấn Thủ tướng và Chính phủ

Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội cho biết hiện đã có hơn 200 câu hỏi chất vấn của 84 đại biểu liên quan tới lĩnh vực phụ trách của 29 cơ quan. Đáng chú ý, Chính phủ và Thủ tướng là hai địa chỉ nhận được nhiều chất vấn nhất (tổng cộng 23 câu).

Các câu hỏi tập trung vào các nội dung: thái độ, giải pháp trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí; việc xử lý các cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi tham nhũng, lãng phí, chiếm đoạt ngân sách nhà nước; vấn đề xử lý ông Nguyễn Văn Lâm, phó chủ nhiệm VPCP, trong việc nhận tiền và bỏ quên cặp tại sân bay; giải pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tệ mua quan, bán chức...

 

PMU18: tâm điểm chất vấn

 

Câu hỏi của đại biểu (ĐB) Nguyễn Xuân Thiết (Vĩnh Phúc): “Đối với vụ PMU18, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ trưởng Bộ Tài chính như thế nào? Chính phủ rút ra những bài học gì về quản lý, chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí?”.

 

ĐB Đặng Văn Xướng (Long An): "Chính phủ đã có báo cáo vụ PMU18 gửi ĐB QH nhưng theo tôi phần kiểm điểm thiếu sót chưa sâu sắc, thiếu sức thuyết phục, chưa thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình. Đã vậy thì khó có thể xử lý nghiêm minh. Đề nghị Chính phủ giải trình sâu, rõ trách nhiệm hơn và đưa ra các biện pháp khắc phục".

 

Tương tự, ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) cho rằng: Cách giải thích số tiền có trong phong bì của ông Nguyễn Văn Lâm là “không logic, không chấp nhận được. Tại sao cơ quan kiểm tra lại chỉ rút kinh nghiệm về khuyết điểm “không cẩn thận bỏ quên cặp”? Liệu kết luận đó có nghiêm túc, có bao che không?”.

 

Đề cập vấn đề liên quan tới VN Airlines, ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kontum) chất vấn: "Do cực kỳ vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết, bất cẩn mà VN Airlines phải bồi thường 5,2 triệu euro (tương đương 107 tỉ đồng); mua máy bay tầm xa, lắp động cơ tầm trung; tài trợ vô lối cho một số con quan chức đi học nước ngoài... Vậy Chính phủ có nắm được các sự việc đó không? Vai trò quản lý của Chính phủ đến đâu? Chính phủ định xử lý các vụ việc trên và các cán bộ sai phạm thế nào? Trách nhiệm của Thủ tướng và Chính phủ trong vấn đề này?".

 

Bản tập hợp chất vấn của ĐB QH cho thấy vụ việc PMU18 đã trở thành tâm điểm chất vấn không chỉ dành cho Thủ tướng, Chính phủ mà còn dành cho Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc (11 chất vấn), Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình (15 chất vấn), Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh (4 chất vấn), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng (21 chất vấn) và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung (8 chất vấn).

 

Đặc biệt Bộ trưởng Đỗ Quang Trung nhận được các chất vấn đáng chú ý: “Tại sao những người có nhiều hành vi sai trái như Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng vẫn được xem xét bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn? Trách nhiệm trong việc bổ nhiệm đó thuộc về ai?”;

 

“Bộ trưởng có biết vụ Nguyễn Việt Tiến chạy chức thứ trưởng không? Biết, thì ý thức và trách nhiệm của bộ trưởng thế nào?” và “trong nhiệm kỳ này có tám thứ trưởng và một số bộ trưởng bị mất chức vì những sai phạm trực tiếp và gián tiếp vào các vụ tiêu cực lớn. Qui trình đề bạt cán bộ đã được thực hiện thế nào? Vai trò của Bộ Nội vụ trong quá trình theo dõi và quản lý được đặt ra thế nào với những cán bộ đã được đưa vào vị trí lãnh đạo?”.

 

Các bộ trưởng: Bộ Công an (4 chất vấn), Bộ Thương mại (10), Bộ NN & PTNT (15), Bộ TN - MT (13), Bộ Xây dựng (4), Bộ Thủy sản (3) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (3) cũng nằm trong danh sách dự kiến trả lời chất vấn về các vấn đề như tiến độ, kết quả điều tra các vụ án trọng điểm, hiệu quả của chính sách nhập ôtô cũ, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng không đạt yêu cầu đề ra, tình trạng “đóng băng” trong kinh doanh địa ốc, tình trạng lỏng lẻo trong công tác giám sát, thiết kế xây dựng, trách nhiệm quản lý ngư dân đánh bắt xa bờ...

 

Đề nghị sửa qui định về bỏ phiếu tín nhiệm

 

Trả lời báo chí vào hôm qua 12/6, trưởng Ban Dân nguyện Lê Quang Bình cho biết đã đề xuất bằng văn bản tới Chủ tịch QH: Nếu nhiều đại biểu đề nghị có nghị quyết về trách nhiệm của người trả lời thì nên nêu vấn đề này ra QH (thảo luận, quyết nghị). Cũng theo ông Bình, số ĐB đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp vẫn “rất ít, không đủ 20% số ĐB QH để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm”.

 

“Qui định 20% là không khả thi, cần phải sửa. Tôi tán thành quan điểm của ĐB Phạm Thế Duyệt (chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN) và một số ĐB là QH bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hai lần vào giữa và cuối nhiệm kỳ với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn. Nếu giữ qui định 20% thì Ủy ban Thường vụ QH phải phát một phiếu trong mỗi kỳ họp xem ý ĐB cần bỏ phiếu ai và phiếu đó không ghi tên ĐB. Chứ với cơ chế hiện nay tôi biết nhiều ĐB muốn làm việc này nhưng vì còn nhiều chuyện đằng sau nên không dám”- ông Bình nói.

 

Theo chương trình, QH dành ba ngày từ 14/6 (khoảng 18 giờ làm việc) cho các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Với dự kiến đại diện Thường trực Chính phủ và 12 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trả lời chất vấn thì trung bình mỗi người sẽ chỉ có 65 phút.

 

Theo Đ.TR
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm