2006: Năm đại hạn
Do mùa mưa ở Bắc Bộ kết thúc sớm nên lưu lượng nước trên hệ thống sông ở khu vực này đang thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Nếu năm nay lũ tiểu mãn không xuất hiện (vào khoảng tháng 5/2006) thì tình hình sẽ rất khó khăn cho cả ngành điện và ngành nông nghiệp.
Bà Nguyễn Lan Châu Phó, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết:
Rét đậm ở Bắc Bộ không phải là những hiện tượng bất thường vì ở Sài Gòn những năm 1928 và 1934 đã ghi nhận nhiệt độ xuống đến 15,4oC và 13,9oC. Còn tại miền Trung thì cơn lũ lịch sử năm 1999 cũng diễn ra vào đầu tháng 11 và đầu tháng 12.
Tại miền Bắc thì hai đợt rét đậm bắt đầu ngày 6/12 là sớm hơn trung bình nhiều năm (thường vào nửa cuối tháng 12) nhưng năm 1976 đã ghi nhận một đợt rét đậm bắt đầu từ tháng 11.
Hiện nay, tình hình khô hạn chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Bộ, còn tại Tây Nguyên, Trung Trung Bộ do mùa lũ kết thúc muộn (nửa cuối tháng 12/2005) nên mực nước trên các sông tương đối cao, hồ chứa thuỷ lợi đều đầy. Còn tại khu vực Nam Bộ, lượng nước thiếu hụt so với trung bình hàng năm cũng không lớn.
Riêng về mực nước thấp tại Hà Nội trong những ngày vừa qua là do ngành điện vẫn đang chủ động tích nước ở hồ Hoà Bình luôn ở mức 117m nên đã hạn chế dòng chảy ở sông Hồng. So với trung bình nhiều năm, sông Đà có thể thiếu hụt 10-25%, sông Thao hụt 10-20%, sông Lô hụt 20-25% còn sông Hồng tại Hà Nội có thể hụt đến 30-40%.
Khu vực đông Bắc Bộ sẽ chịu hạn nặng nhất khi các sông của khu vực này thiếu tới 30-40% lượng nước trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, do nguồn nước giảm nhiều nên tình hình thiếu nước và khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt do nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.
Từ nay cho đến hết tháng 4/2006, trên cả nước sẽ chỉ xuất hiện những đợt mưa phùn, mưa nhỏ có khả năng giữ ẩm chứ không thể làm thành dòng chảy, do vậy, nếu năm nay lũ tiểu mãn không xuất hiện (vào khoảng tháng 5/2006) thì tình hình sẽ rất khó khăn cho cả ngành điện và ngành nông nghiệp.
Theo Bình Nguyên
Lao Động