1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

20 năm chênh vênh cầu tre mục nát

(Dân trí) - Cây cầu tre được dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1989. Sau hơn 20 năm, nay cầu đã bị mục nát, xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tính mạng người dân, đặc biệt là các em học sinh phải qua cầu tới trường.

Cây cầu Vạn bắc qua dòng sông Hoàng, nối hai xã Tiến Nông (huyện Triệu Sơn) và Đông Ninh (huyện Đông Sơn) hàng ngày có hàng trăm lượt người qua lại. Vì chỉ là cầu tạm nhưng sử dụng tới hơn 20 năm nên đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.

20 năm chênh vênh cầu tre mục nát
Cây cầu dài hơn 30m được làm chủ yếu bằng tre, gỗ, chằng buộc tạm bợ, không lan can, nhưng đã có tuổi thọ hơn 20 năm.

Cây cầu tre từ lúc được đưa vào sử dụng có thu phí của người qua cầu với mức thu hiện tại là 1.000đ/ người đi bộ và 2.000đ với người có phương tiện. Số tiền này dành để tu bổ cầu hàng năm. Tuy nhiên do vật liệu làm cầu chủ yếu là tre, gỗ nên sau nhiều năm ngâm nước, hứng mưa nắng đã mục nát, một số chân cầu mục gãy đã được thay thế bằng cột bê tông nhỏ (hiện có 12 chân cầu bằng bê tông, còn lại là chân cột tre); mặt cầu là những tấm gỗ mỏng, thường xuyên được thay thế nhưng cũng rất ọp ẹp, xộc xệch.

20 năm chênh vênh cầu tre mục nát
Mặt cầu rộng chưa tới 1,2 m và không có lan can.

Ông Nguyễn Bá Sơn, cán bộ xã Tiến Nông cho biết: “Cây cầu này nhiều năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người dân nơi đây. Người đi qua cầu bị rơi xuống sông là chuyện bình thường, còn bị gãy tay chân thì có 3 người, rất may chưa có trường hợp nào bị tử vong. Năm ngoái chính tôi cũng bị rơi xuống sông, may mà tôi biết bơi, nhưng xe thì phải nhờ người dân hai bên bờ xuống mò đưa lên. Gần như năm nào vào mùa lũ cây cầu cũng bị cuốn trôi, không bị cuốn trôi cả cầu thì cũng bị cuốn mất mấy đoạn. Vào mùa lũ nước còn lên cao hơn cả mặt cầu, rất nguy hiểm!”.

Vẫn biết cây cầu là mối nguy hiểm khôn lường nhưng do xã Tiến Nông và xã Đông Ninh đều nghèo, không đủ kinh phí xây cầu mới nên đành cứ liều mà qua cầu cũ. Cũng theo ông Sơn, đã nhiều lần xã cùng huyện kiến nghị lên tỉnh và có hai lần đoàn về khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

20 năm chênh vênh cầu tre mục nát
Phía trên là cây cầu mục nát.

Ông Lê Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh, cũng nói: “Kinh phí xây cây cầu Vạn thì xã không thể có. Cuối năm 2010, tỉnh Thanh Hoá đã có dự toán thiết kế xây dựng cây cầu với trị giá gần 36 tỷ đồng nhưng sang năm 2011, khi có nghị quyết 11 của Chính phủ thì cây cầu này lại phải dừng lại. Bây giờ xã sẽ tiếp tục kiến nghị với cấp trên để xây dụng cầu”.
 
20 năm chênh vênh cầu tre mục nát
Cứ vào mùa mưa lụt, cây cầu hoặc bị cuốn trôi, hoặc chìm dưới mặt nước lũ.

Hoàng Văn - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm