1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

19 khu vực có nguy cơ bị lũ quét, lũ bùn đá

Theo các nhà khoa học, tại vùng núi phía Bắc có 19 khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lũ quét, lũ bùn đá mạnh và rất mạnh. Bộ Khoa học công nghệ đã có cuộc họp bàn về nguy cơ và biện pháp khắc phục khi xảy ra những hiện tượng trên ngày 9/6.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, cho biết, từ năm 1990 đến nay, trên cả nước đã xẩy ra 25 trận lũ quét mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều vùng dân cư (chưa tính những trận lũ quét ở các khu vực không có người dân sinh sống); số người chết và mất tích trong các trận lũ quét lên đến 965 người, bị thương 628 người; gần 13 vạn ngôi nhà bị hư hại toàn bộ hoặc một phần; tổng thiệt hại do các trận lũ quét gây ra gần 2.000 tỷ đồng.

 

Ngoài những yếu tố tự nhiên, theo các nhà khoa học, những hoạt động kinh tế chính của con người ở vùng miền núi cũng đã dẫn đến việc tăng cường lũ quét, lũ bùn đá các loại. Đó là việc làm mất rừng đầu nguồn; khai thác khoáng sản bừu bãi, thiếu quy hoạch; xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, giao thông... làm cản trở và thu hẹp dòng chảy của các hệ thống sông suối...

 

Cụ thể về 19 khu vực đó như sau:

 

Các sông thuộc lưu vực sông Nậm Lay ở Mường Chà, Điện Biên; Thượng nguồn sông Nậm Pô, huyện Mường Lay, Điện Biên; lưu vực các sông Nậm Lúa, Nậm Rõm, Nậm Nưa thuộc 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông ở tỉnh Điện Biên; Vùng thượng nguồn sông Mã ở tỉnh Điện Biên; Thượng nguồn các nhánh sông tả ngạn sông Đà ở Mường Tè, Lai Châu.

 

Các nhánh sông hữu ngạn sông Hồng ở các vùng Bát Xát, Sa Pa, thị xã Cam Đường, thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai; Thượng nguồn Ngòi Hít, Ngòi Thia thuộc các huyện Mù Căng Chải, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn ở tỉnh Yên Bái.

 

Các nhánh tả ngạn sông Đà ở các huyện Mù Căng Chải, Trạm Tấu (Yên Bái) và Mường La (tỉnh Sơn La); Các nhánh hữu ngạn sông Đà ở thị xã Sơn La, huyện Mường La, thuộc tỉnh Sơn La.

 

Các nhánh tả và hữu ngạn sông Mã ở huyện Sông Mã, Sơn La; Các nhánh thượng nguồn sông Gâm thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

 

Thượng nguồn các nhánh ở hữu ngạn sông Lô ở 2 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Hà Giang;

 

Các sông nhánh thượng nguồn sông Cầu và các sông thuộc lưu vực sông Ngân Sơn, Na Rì, Nà Thác ở thị xã Bắc Kạn, 3 huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì ở tỉnh Bắc Kạn; Thượng nguồn các nhánh sông chảy vào sông Minh Giang (Trung Quốc) thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn;

 

Vùng thượng nguồn sông Công chảy qua huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Thượng nguồn các sông nhánh tả ngạn sông Phó Đáy thuộc huyện 2 Lập Thạch, Tam Dương ở tỉnh Vĩnh Phúc; Các nhánh tả ngạn sông Kinh Thầy và sông Hàn thuộc 2 huyện Đông Triều và Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; Các nhánh sông Chảy thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ; Các nhánh sông Lô chảy qua một phần các huyện Bắc Quang ( Hà Giang), Chiêm Hoá và Hàm Yên (Tuyên Quang), Lạc Yên (Yên Bái).

Theo Sài gòn giải phóng