1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đồng Tháp:

18 cặp cá lóc bông "đổi" được... 2.000 giạ lúa

(Dân trí) - Năm 1997, ông Ký lên TPHCM mua 18 cặp cá lóc bông về nuôi. Sau 6 tháng chăm sóc, ông cho cá đẻ lứa đầu tiên. Không ngờ mỗi ổ trứng nở từ 8.000 - 10.000 con. Với giá bán 500 đồng/con, tiền thu được ông Ký mua được 2.000 giạ lúa.

Giống cá nước ngọt hung dữ

Ông Ký tên đầy đủ là Nguyễn Văn Ký (73 tuổi) ngụ tại ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Là người con chánh tông nhà nông nên ngoài đức tính siêng năng, cần cù vốn có của một lão nông tri điền, ông Ký là mẫu nông dân dám nghĩ dám làm, nhất là những mô hình chăn nuôi mới lạ, tiên phong.

Nói về loài cá lóc bông, điểm đầu tiên ông “cảnh báo” chúng tôi là tính hung dữ của loài cá này. Ông kể: “Những năm 80, chỉ riêng vùng đất Tam Nông vào mỗi mùa nước nổi, không dưới 20 vụ người dân bơi qua sông hay đi đồng bị cá cắn. Nhưng người dân lo ngại nhất là nạn cá cắn vịt. Nếu đàn vịt khoảng 20 con, từ 10 – 20 ngày tuổi, chỉ cần 1 cặp cá bông bơi qua là đàn vịt tiêu đời hết”.

Ở thôn quê vào những năm 80, 90 trai làng có cách bắt cá lóc bằng nghề nhấp vịt. Nhưng gặp ổ cá lóc bông chẳng anh nào dám bỏ vịt xuống nhấp. Vì thế, một số anh muốn “khiêu chiến” với giống cá này đều phải ngụy trang bằng con cóc, con ếch, … hay nắm cỏ dại bó lại, thay cho con vịt, rồi nhử cá bố mẹ. Với cách này, người câu chỉ cần dạo bên ngoài ổ thì lập tức cá mẹ đến tấn công “kẻ phá đám” ngay và sẽ dính câu.

Ông Ký chỉ mấy cái nhà chòi dưới nước kia chính là để cho cá lóc bông đẻ

Ông Ký chỉ mấy cái nhà chòi dưới nước kia chính là để cho cá lóc bông đẻ

Theo ông Ký, tính hung dữ của cá lóc bông không chỉ có ở cá tự nhiên mà cá được nuôi trong ao hồ, lồng bè vẫn hung dữ. Mỗi khi kéo cá hay vớt trứng, người bắt cá không khéo léo có thể bị cá cắn bị thương, nặng hơn là cụt tay, gãy chân.

Ông Ký nói: “Chẳng hiểu sao, từ nhỏ tui đã mê con cá này rồi. Thời đó, giống cá này nhiều lắm, giăng lưới, cậm câu, tát đìa,… cá nhiều vô số kể. Nhưng người ta chỉ bắt cá có trọng lượng trên 1kg, còn nhỏ là thả lại. Không biết vì lí do gì, dần dần loài cá này ít lại và đến năm 1997, ai bắt được cá có trọng lượng 1kg được xem là hàng hiếm”.

Không biết từ lúc nào, vì lí do gì, dân sành ăn chuyển qua mê thịt cá lóc bông. Nhiều người đánh giá, thịt cá lóc bông ăn chẳng thua kém gì thịt cá lóc đồng chính hiệu.

Làm chơi ăn thiệt

Năm 1997, ông Ký thấy cá lóc bông bắt đầu hút hàng, tăng giá. Nhiều quán ăn, nhà hàng lớn ở TP. Hồ Chí Minh cho nhân viên xuống các tỉnh ĐBSCL để săn cá. Vì thế thời gian này người dân đổ xô đi bắt cá, nhưng lượng cá tự nhiên không còn nhiều như trước nữa, nhiều người đi tìm cá giống để nuôi, nhất là nông dân Campuchia.

“Vốn dĩ tui đã mê loài cá này rồi nên không suy nghĩ gì thêm. Sáng sớm tui bắt xe lên Sài Gòn lựa 18 cặp cá lóc bông to khỏe về thả xuống ao nuôi. Sau 6 tháng chăm sóc tui cho cá đẻ lứa đầu tiên, không ngờ mỗi ổ trừng nở từ 8.000 – 10.000 con cá con. Lúc đó, bán cá giống khỏe lắm, mỗi con 500 đồng, có bao nhiêu là thương lái bên Campuchia qua mua hết. Mùa đó tui trúng đậm, bán hết số cá giống tui mua được 2.000 giạ lúa”. Ông Ký cười tươi nhớ lại.

Thấy giống cá hung dữ này “ăn nên làm ra”, ông Ký quyết định bỏ ra 1.500m2 đất vườn, đào hẳn một ao nuôi cá có diện tích trên 1.300m2. Từ khi có ao nuôi, số cá bố mẹ cứ tăng dần, 20 cặp, 30 cặp, … có lúc tăng lên 150 cặp. Từ số cá bố mẹ này, mỗi năm nguồn thu của ông cứ tăng dần, từ 40 triệu, 60 triệu và cả bạc trăm triệu trong mỗi vụ bán cá giống.

Trước khi xuống vớt trứng cá, ông Ký phải... khấn vái để không bị cá bố mẹ cắn

Trước khi xuống vớt trứng cá, ông Ký phải... khấn vái để không bị cá bố mẹ cắn

Theo ông Ký để chọn cá bố mẹ làm giống thì ngoài đặc điểm cá to khỏe (trọng lượng trên 2 kg) cần lựa cá có thân hình suông, thẳng đều, không dị tật, bụng to, … Về khâu chăm sóc, ông Ký lưu ý mỗi tuần chỉ nên cho cá ăn một lần (mồi là cá biển - PV) vì theo ông, nếu cho cá ăn nhiều, cá bố mẹ bị béo và đẻ ít trứng.

Ngoài ra, cái chòi cho cá đẻ của ông Ký nghĩ ra được xem là sáng kiến độc nhất của ông. Ban đầu, ông cho cá tự làm ổ đẻ nhưng tỷ lệ hao hụt quá cáo, nguyên nhân là do các ếch, nhái tấn công. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Ký đã nghĩ ra cách bảo vệ trứng cá bằng cách xây nhà cho cá đẻ. Vật liệu xây nhà gồm 4 cây trúc, cắm xuống ao theo hình vuông, mỗi cây cách nhau khoảng 70 – 80 cm. Sau đó, dùng lưới cước bao bọc xung quanh 4 cây trụ; phần dưới mặt nước để trống (cho cá bố mẹ vào đẻ) phần phía trên che lại bằng lá, ngăn ếch nhái nhảy vào.

Ông Ký cho biết: “Nếu bắt cá 10 – 15gram/con thì nuôi 8 tháng là cá đạt trọng lượng 1 kg. Nhưng để làm cá bố mẹ thì cá phải đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên. Cá bắt đầu đẻ từ tháng chạp đến tháng 6 âm lịch, nếu chăm sóc tốt cứ 2 tháng cá đẻ một lần, trung bình mỗi ổ trừng nở từ 8.000 – 10.000 con. Sau khi cá đẻ được vài giờ thì vớt trứng sang chỗ khác và sau 30 – 40 giờ sẽ trở thành cá bột. Và nuôi khoảng 1 tháng thì có thể bán cá con”.

Được biết, từ mô hình “làm chơi ăn thiệt” của ông Ký nhiều người ở miền Tây làm theo nên kéo giá cá giống từ 500 đồng/con xuống còn 190 – 250 đồng/ con (loại 20 ngày tuổi). Mặc dù vậy, nhưng do cá bố mẹ đẻ nhiều, tỷ lệ hao hụt thấp, nên với nghề tay trái nuôi 47 cặp cá lóc bông bố mẹ, mỗi năm ông Ký thu về gần 100 triệu đồng, ngoài huê lợi từ 10 công lúa.

Được biết, giá cá thịt hiện tại dao động từ 47.000 – 50.000 đồng/kg, với mức giá này cao hơn giá cá lóc nuôi từ 10.000 – 20.000 đồng/1kg. Nhưng chi phí nuôi thấp, thời gian ngắn nên hiện nay có nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi cá lóc bông thương phẩm. Theo ông Ký cho biết vùng nuôi cá lóc bông nhiều nhất hiện nay tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp,… Nhưng nuôi giống cá này thành công cũng như chiếm lượng lớn lại là nông dân nước bạn Campuchia.