17 năm tình nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
(Dân trí) - Như một định mệnh, một lời nhắn nhủ từ cõi vô thường, ở tuổi nghỉ hưu, cứ tầm 4-5 giờ sáng, cụ lại thức dậy ra nghĩa trang tưới từng lón cây, chậu cảnh, nhặt cỏ cho từng ngôi mộ. Công việc đó, cụ đã tự nguyện làm từ 17 năm nay.
Cụ Nguyễn Văn Đàm sinh năm 1931 tại xã Hải Hoà, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nghèo, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Vốn từ một cán bộ tuyên truyền lưu động của huyện, sau đó rồi chuyển lên tỉnh. Năm 18 tuổi vinh dự được kết nạp vào Đảng viên CSVN rồi được Đảng tín nhiệm cử làm Thường vụ tỉnh đoàn Hà Tĩnh vào thời 1951 -1952.
Năm 1953, cụ được tập kết ra bắc đi học văn hoá và học chuyên nghiệp ngành Lâm nghiệp. Năm 1956 về làm ở Bộ Nông nghiệp, nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn cụ được điều đi về địa phương nhiều nơi khác công tác, đặc biệt là các huyện miền núi Nghệ An. Cũng thời gian này cụ được cử làm Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ.
Năm 1975 hai miền đất nước thống nhất, huyện Hải Lăng quê hương cụ cử cán bộ ra Nghệ Tĩnh mời về phụ trách khối Nông lâm làm Thường vụ Đảng uỷ Ban Nông nghiệp huyện. Từ đó cụ còn phải làm thêm vai nhiệm kỳ công tác Đảng nữa rồi mới nghỉ hưu.
Năm 1989 cụ nghỉ hưu, cứ tưởng cuộc đời cụ đã trải qua hai cuộc chiến khốc liệt và bao năm lăn lộn làm cán bộ vất vả, giờ con cháu đã đề huề, cụ sẽ nghỉ ngơi lo cho tuổi già.
Nhưng như một định mệnh, một trách nhiệm với những người đã khuất, năm 1991, nghĩa trang liệt sĩ huyện không có người trông coi hương khói cho liệt sĩ, cụ Đàm liền xin tự “ứng cử”.
Ban đầu, thấy cụ là cán bộ lão thành của huyện nên nhiều người không đồng ý, khuyên can. Về sau, thấy cụ cương quyết quá, huyện đành lòng trao nghĩa trang cho cụ trông nom.
Sống, cống hiến cho những liệt sĩ vô danh, cụ như thấy lòng mình thanh thản hơn, đời vui hơn. Thời gian thấm thoắt, 2 vợ chồng cụ đã gắn bó với nghĩa trang này 17 năm rồi (“cam kết” ban đầu với huyện là 1 năm). Hỏi cụ còn định ở đây đến bao giờ, cụ cười: “Chừng nào sức khoẻ không bảo đảm nữa thì xin nghỉ”.
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng nằm trên một bãi cát trắng và thoải, từ khi được quy tập mộ liệt sĩ đến nay, nghĩa trang đã có hơn 2.000 ngôi mộ, trong đó có tới hơn 1.500 mộ liệt sĩ vô danh. “Các anh ra đi như một vết sao băng không để lại dấu vết gì ngoài những chiến công làm nên lịch sử”, cụ Đàm ngậm ngùi.
Cụ bảo, sống trên đời phải sao cho xứng đáng với những người đã nằm lại nơi này. Chính nhờ gắn bó với nghĩa trang mà đến giờ cụ vẫn còn dẻo dai đến thế. Lắm khi cũng nhớ con nhớ cháu, muốn về thăm, nhưng bỏ nghĩa trang thì không đành.
Cụ Đàm trầm ngâm, những đêm trăng thanh gió mát, cụ thường ra nghĩa trang, tận hưởng không gian yên ắng, “chuyện trò” với những liệt sĩ vô danh, chia sẻ với những linh hồn phiêu bạt.
Cụ bà kể: “Từ ngày ra đây trông coi nghĩa trang ít khi thấy ông nhà cười, phần vì toàn sống với cõi âm, phần khác toàn phải chứng kiến bao cảnh thân nhân, con cháu liệt sỹ về đây kiếm tìm phần mộ cha anh, mộ chồng. Khi không tìm được họ đau đáu xót xa, thậm chí có người lang thang vài ba ngày trên khu mộ. Có người không còn tiền về, vợ chồng tôi đành phải bỏ tiền túi ra để họ có tiền mua vé xe”.
Cụ vẫn nhớ trường hợp một thanh niên tên Hùng, lang thang khắp miền Trung tìm mộ cha mà không thấy; tới nghĩa trang Hải Lăng vẫn vô vọng. Anh buồn bã khóc lóc mãi, cụ Đàm phải hết lời động viên, an ủi rồi lo cho anh tiền, hành lý về quê. Cảm động trước tấm lòng của cụ, anh Hùng đã gìn giữ mo cơm cụ cho trước lúc lên đường về tới tận nhà. Khi về giở ra, mo cơm đã bị ôi nhưng cả gia đình anh vẫn chia nhau ăn ngon lành.
Giờ đây, vợ chồng cụ Đàm đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn có một tâm nguyện cuối đời là được ở lại chăm sóc cho những linh hồn liệt sĩ.
Minh San - Hoài Lương