1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

An Giang:

15 năm mòn mỏi "đi tìm" danh hiệu gia đình có công!

(Dân trí) - Cả một đời theo cách mạng, khi hòa bình lập lại, ông bà không ruộng đất, nghèo khổ, con cái không biết chữ, làm hồ sơ xin được công nhận gia đình có công nhưng chờ mòn mỏi cho đến khi ông mất đi vẫn chưa được công nhận.

Đó là trường hợp của gia đình cụ Lê Thị Mẫn, 85 tuổi, ở tổ 12, ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang. Theo lời kể của bà Trần Thị Kiếm, 65 tuổi – con gái cụ Mẫn, từ năm 1946 đến năm 1954, ba ruột của bà là cụ Trần Văn Lũy và mẹ bà có tham gia giúp cách mạng ở vùng xã Thới Sơn, quận Tri Tôn lúc bấy giờ.

 

Suốt 15 năm qua cụ Mẫn đi xin được công nhận là người có công nhưng bây giờ lưng còng, tóc bạc, mắt mờ mà vẫn không có hồi âm.
Suốt 15 năm qua cụ Mẫn đi xin được công nhận là người có công nhưng bây giờ lưng còng, tóc bạc, mắt mờ mà vẫn không có hồi âm.

Năm 1955 đến 1966, cụ Lũy được giao làm Tiểu đội trưởng Dân quân tự vệ để hướng dẫn đội đào hầm, đặt chông, vận động nhân dân trong vùng đấu tranh chính trị trực diện với địch...

Đến năm 1967 – 1968, hai vợ chồng cụ còn tích cực tải đạn, cứu thương cho nhiều cán bộ của ta trong trận đánh đồn của địch ở Cầu Bưng Tiền – nay thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên; che giấu cán bộ công tác bị rắn độc cắn...

Nhiều lần vợ chồng cụ bị địch bắt, đánh sống dở chết dở, vẫn quyết tâm bao che cho đồng chí, đồng đội. “Có lần ổng phải làm nội ứng để giết thằng đồn trưởng ở Bưng Tiền rồi sau đó ổng bị bắt hết mấy tháng ở Tri Tôn. Nó đánh ổng chết đi sống lại hoài mà ổng nhất quyết không khai báo gì hết...” – cụ Mẫn nói.

 

Mẹ con cụ Mẫn tiếp xúc với PV
Mẹ con cụ Mẫn tiếp xúc với PV

Tiếp lời mẹ mình, bà Kiếm nói: “Sau khi chiến tranh kết thúc, khoảng năm 2000 ba tôi có nghe thông báo nên kêu tôi và các anh em cùng làm hồ sơ để ba mẹ tôi được hưởng chế độ người có công. Mà cái nhà này có ai biết chữ nghĩa gì đâu. Làm trật lên trật xuống. Có hồ sơ của ba làm xong rồi mà đến năm 2007 ba mất cũng chưa thấy công nhận gì hết!”.

Mỏi mòn chờ đợi!

Bà Kiếm cầm xấp hồ sơ trong tay buồn bã cho biết, gia đình bà thuộc diện nghèo khó ở địa phương. Để có tiền đi xoay sở làm hồ sơ cho hai cụ, bà phải vay mượn tiền của hàng xóm rất nhiều, đến giờ vẫn trả chưa hết. “Nhiều lúc lên xã hỏi thì cán bộ nói sai cái này, thiếu cái kia nên phải phô tô rồi tìm nhân chứng. Cứ làm đi làm lại cả chục năm nay rồi không thấy gì hết. Tôi lo cho bà cụ quá không biết còn sống được bao lâu nữa!” – bà Kiếm nói.

 

Căn nhà tranh trống trước, dột sau của mẹ con cụ Mẫn.
Căn nhà tranh trống trước, dột sau của mẹ con cụ Mẫn.

“Mẹ tôi giờ đây lưng còng, tóc bạc và hai mắt đã không còn nhìn thấy ánh sáng để đi tìm công lý. Còn tôi thì tuổi cũng đã cao và không rành chữ nghĩa nên đi lại khó khăn hơn. Tôi chỉ mong muốn nhà nước xem xét sớm công nhận cho cha mẹ là gia đình có công để bà cụ được an ủi sống hết những tháng ngày còn lại, vậy là tôi đã mãn nguyện rồi” – bà Kiếm buồn bã chia sẻ.

Liên quan đến trường hợp vợ chồng cụ Mẫn, ông Huỳnh Văn Điều (thường gọi Ba Thành) – nguyên Bí thư Huyện ủy Tịnh Biên và Tri Tôn (giai đoạn 1975 và 1979) cho biết, năm 1962, ông làm Bí thư xã Văn Giáo, huyện Tri Tôn và có nhờ vợ chồng cụ Lũy tham gia giúp cách mạng trong việc tải bom, đạn, thuốc cứu thương. Cụ Lũy còn nhờ anh của mình chữa khỏi bệnh rắn độc cắn cho ông Mười Minh (tên thật là Võ Văn Hết, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang).

 

 Ông Huỳnh Văn Điều, nguyên Bí thư Huyện ủy Tịnh Biên và Tri Tôn (giai đoạn 1975 và 1979) thừa nhận vợ chồng cụ Mẫn có công rất lớn với cách mạng.
 Ông Huỳnh Văn Điều, nguyên Bí thư Huyện ủy Tịnh Biên và Tri Tôn (giai đoạn 1975 và 1979) thừa nhận vợ chồng cụ Mẫn có công rất lớn với cách mạng.

Vợ chồng cụ Lũy mấy lần bị bọn địch bắt giam và gây khó khăn. “Cách đây vài năm anh Mười Minh gặp tôi có nói đề nghị tặng huy chương cho hai vợ chồng cụ Lũy rồi. Gia đình này xứng đáng nhận danh hiệu gia đình có công. Tôi đề nghị các ngành chức năng An Giang sớm công nhận cho họ an hưởng tuổi già” - ông Điều nói.

Vì chờ đợi các ban ngành ở An Giang giải quyết vụ việc quá lâu nên các con của cụ Mẫn đã làm hồ sơ gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau đó Bộ này lại chuyển hồ sơ về Sở LĐ-TB&XH An Giang. Thanh tra Sở LĐ-TB&XH trả lời rằng: “Đơn yêu cầu của bà Lê Thị Mẫn chưa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; đề nghị bà liên hệ với Cơ quan Thi đua – khen thưởng để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật”.

Ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, cho biết, hiện nay cụ Mẫn chỉ lãnh tiền người cao tuổi là 270.000đ/tháng và được hưởng chế độ hộ nghèo theo quy định của pháp luật. Riêng đối với hồ sơ gia đình có công thì ông chưa nhận được.

“Trường hợp này chắc tôi sẽ mời gia đình cụ Mẫn và các con lại để hướng dẫn cụ thể để cụ có thể an hưởng tuổi già. Chứ vừa qua xã cũng giải quyết nhiều trường hợp gia đình có công rồi, sao hồ sơ cụ này tôi chưa thấy lần nào cả? Tôi nghĩ hồ sơ này đã thất lạc đi rồi!” – ông Hải nói.

Minh Thư   

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm