1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

15 năm đi đòi đất của tác giả “Vàm Cỏ Đông”

(Dân trí) - Lần đầu gặp một trong những "cây đại thụ" của làng âm nhạc Việt Nam, câu chuyện về “Con đường âm nhạc” không cuốn hút chúng tôi bằng hành trình của người nhạc sỹ ròng rã suốt 15 năm đi đòi lại căn nhà bị chiếm ngay trên mảnh đất quê hương.

“Làm phúc phải tội”

Sau khi thống nhất đất nước, nhạc sỹ Trương Quang Lục vốn là cán bộ tập kết ra Bắc mới trở lại thăm quê Quảng Ngãi. Do ông công tác ở xa, không có điều kiện chăm sóc mảnh đất hương hỏa (rộng gần 700 m2, nằm trên đường Nguyễn Chánh hiện nay) nên ông nhờ mấy người em họ trông giữ, trồng hoa màu trên đó.

Năm 1983, UBND phường Trần Phú có đề nghị ông cho mượn tạm mảnh đất nói trên để làm cơ sở sản xuất tạm cho Hợp tác xã thủ công. "Tôi chưa sử dụng đến nên vui vẻ cho mượn ngay, nghĩ là giúp được gì cho quê thì cứ làm mà không yêu cầu điều kiện gì. Chỉ có một điều kiện nhỏ là với hoa màu của mấy người em đang trồng trên đất, giờ hợp tác xã chuyển đến, nhổ đi thì phải đền bù giá trị thiệt hại đó cho họ" - nhạc sỹ Lục cho biết.

Một năm sau, HTX lâm vào tình trạng nợ nần, phải sang nhượng toàn bộ máy móc thiết bị cho một cá nhân khác. Năm 1993, khi về quê và có ý định lấy lại đất để xây nhà để ở lúc nghỉ hưu, ông Lục mới "ngã ngửa người" khi nghe người đang ở trên đất nhà mình tuyên bố: "Hợp tác xã bán lại đất này cho tôi rồi".

Đền bù hoa màu không có nghĩa là mua đất

Lý do người đang ở trên mảnh đất nhà ông Lục đưa ra là: "Khi chuyển đến, HTX đã đền bù giá trị hoa màu cho những người giữ đất đang trồng trên đó, nếu không phải là mua thì đền bù làm gì". Người này đưa lý do đã mua lại toàn bộ tài sản của HTX như vậy mảnh đất nói trên đương nhiên thuộc về ông ta.

Xem xét hồ sơ sự việc, luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn luật sư TPHCM cho biết: "Mảnh đất của nhạc sỹ Lục đã có Bản sao địa đồ chính quyền thời Pháp cấp từ năm 1938, Bản sao giấy chứng thư kiến điền do chính quyền cũ cấp năm 1971, ông Lục là người thừa kế quyền sử dụng mảnh đất nói trên và chưa từng chuyển nhượng, sang tên cho ai.

 

Vì vậy, quyền sử dụng mảnh đất nói trên vẫn là của ông theo tất cả các quy định pháp luật từ trước tới nay".

Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú, người trực tiếp hỏi mượn đất của nhạc sỹ Lục ngày đó thì đã chết từ lâu nên chính quyền phường đương nhiệm bây giờ "ngó lơ".

Văn bản của UBND phường trả lời nhạc sỹ loanh quanh: "Năm 1983, HTX thương lượng các cá nhân (những người ông Lục nhờ giữ đất - PV) nhượng lại cho HTX khoảng đất 865m2" và "HTX chi phí dưới dạng bồi thường hoa màu".

Cộng với chất vấn cho rằng tại sao ông cho mượn đất mà không có giao kèo bằng văn bản, UBND phường kết luận rằng "Đất đó là của tập thể, Nhà nước giao cho ông Nguyễn Đồng quản lý".

Tuy nhiên, toàn bộ Ban chủ nhiệm HTX đã mượn đất của nhạc sỹ Lục đều phủ nhận những ý kiến trên. Họ xác nhận việc mượn đất của nhạc sỹ Lục là có thực và việc đền bù hoa màu không có nghĩa là mua đất. Đất đó thuộc quyền sử dụng của ông Lục và HTX chỉ được mượn tạm thời.

"Vì chúng tôi cần địa điểm sản xuất ngay, không thể chờ hoa màu thu hoạch xong nên đã thương lượng với mấy người giữ đất là nhổ cây đi rồi HTX trả cho họ số tiền tương đương vụ thu hoạch đó. Họ chỉ là người giữ nhà giùm, đâu phải nhà của họ mà có quyền bán" - ông Trần Phương, nguyên Chủ nhiệm HTX thời đó xác nhận.

Nhạc sỹ Lục chua chát: "Đất của mình mà tự dưng chính quyền nói đã có người khác bán mất đi rồi nên chẳng còn là của mình nữa. Nói vậy, chính quyền thừa nhận việc mua bán không đúng pháp luật à?".

Thế nhưng suốt 15 năm nay, mảnh đất hương hỏa của nhạc sỹ Lục vẫn bị chiếm giữ bất hợp pháp. Theo lời những người dân sống trong khu phố, do người dân bất bình với hành động chiếm giữ này nên người chiếm giữ trái phép cũng không dám đến ở mà cho một cụ già đến sinh sống và "giữ đất".

15 năm vác đơn khiếu nại với “cây đèn cù”

Hàng chục lá đơn khiếu nại đã được nhạc sỹ Lục gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu làm rõ sự việc đều không nhận được trả lời.

15 năm đi đòi đất của tác giả “Vàm Cỏ Đông” - 1
  

Tác giả “Vàm Cỏ Đông” khổ tâm vì vô lý bị mất đất.

"Thực ra thì cũng có phản hồi nhưng chỉ là phản hồi dạng "chúng tôi đã nhận được đơn thư của ông, chờ giải quyết". Tôi gửi đơn đến phường, phường nói hết thẩm quyền, gửi đến thành phố, thành phố yêu cầu Phòng tài nguyên môi trường giải quyết. Phòng hứa rồi ỉm luôn. Rút kinh nghiệm, sang năm sau tôi gửi đơn lên tỉnh, tỉnh lại chỉ xuống thành phố, thành phố lại đẩy cho Phòng rồi tiếp tục điệp khúc "chìm xuồng". 15 năm nay khiếu nại với cây đèn cù rồi" - ông Lục nói.

Trên văn bản chỉ đạo, chính quyền tỉnh "có vẻ" khá kiên quyết. Đơn cử như văn bản số 379 của UBND tỉnh do Chủ tịch tỉnh ký vào tháng 02/2008 yêu cầu UBND thành phố phải "khẩn trương giải quyết khiếu nại của nhạc sỹ Trương Quang Lục và báo cáo tỉnh trước ngày 30/3. Quá thời hạn trên, nếu Chủ tịch UBND TP vẫn chưa giải quyết thì phải chịu trách nhiệm".

Nhưng việc làm diễn ra thì lại khác, nhạc sỹ Lục cho biết: "Khiếu nại thì vẫn chưa giải quyết mà cũng chẳng thấy ai bị kỷ luật gì cả. Ra quyết định để chơi vậy thôi mà".

Bà Nguyễn Thị Vân, vợ của nhạc sỹ ngậm ngùi: "Tôi biết nỗi khổ tâm của ổng không muốn kiện ra tòa, cũng không muốn làm to chuyện vì ngại rầy rà vì mình là người của công chúng. Nhưng nếu không đòi lại được đất hương hỏa đã bị chiếm thì thấy bất công, cảm thấy áy náy vì có lỗi với dòng họ. Ổng đã giao hẹn với tôi là lấy lại được đất, xây nhà thờ xong, còn lại bao nhiêu sẽ hiến tặng quê làm công trình phúc lợi".

Nhạc sỹ Trương Quang Lục sinh năm 1933, quê quán Quảng Ngãi, là cán bộ kháng chiến tập kết ra Bắc năm 1954. Sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông về làm kỹ sư tại Nhà máy hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ). Sau giải phóng, ông làm Giám đốc một nhà máy hóa chất tại TPHCM rồi về công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, giữ chức vụ Trưởng ban Khoa giáo.

Nhạc sỹ Trương Quang Lục đã sáng tác khoảng 400 bài hát. Ông được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất năm 2002. Nhóm 5 ca khúc trong đó có bài Quảng Ngãi đất mẹ kiên cường và Vàm Cỏ Đông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước. Ca khúc Trái đất này là của chúng mình được UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc) tặng giải nhất cuộc thi ca khúc viết cho thiếu nhi năm 1979.

Nguyên Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm