1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

15 lần sinh, 12 lần chôn con nơi cồn cát

Dù sinh nở đến 15 lần song hiện tại, vợ chồng ông Đỗ Văn Địu ở Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, chỉ còn 3 cô con gái. 12 người con đã yên nghỉ dưới những nấm mồ trên đồi cát trắng mênh mông...

Mấy mươi năm đè con ra đút cơm

 

Dưới cái nắng cháy da cháy thịt trong những ngày hè, tôi phóng xe máy xuyên qua cánh đồng, trượt trên những đụn cát trắng ven bờ sông Nhật Lệ, tìm đến nhà ông Đỗ Văn Địu, ở cuối thôn Hà Thiệp (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

 

Tôi đến nhà vào giữa buổi trưa, khi làng quê yên ắng trong giờ nghỉ trưa, riêng nhà ông Địu thì vang lên tiếng khóc lóc, xen lẫn tiếng cười khanh khách.

 

Mâm cơm bày biện dưới nền nhà nguội lạnh. Ông Địu, bà Nức đang đè hai đứa con ngây dại để bón cơm. Hai cô con gái Đỗ Thị Hằng, SN 1990, và Đỗ Thị Nga, SN 1994, cứ giãy đành đạch, cào cấu, gào thét.

 

Ông Địu ngồi trên giường, ôm Hằng vào lòng, dùng hai chân mình kẹp hai chân con, rồi ráng sức bình sinh giữ chặt đầu Hằng, để bà Nức bón cơm vào miệng. Bón xong bát cơm cho Hằng, mất cả tiếng đồng hồ. Đến lượt Nga, ông Địu lại phải chăm con bằng cách… đè con ra như vậy.
 
15 lần sinh, 12 lần chôn con nơi cồn cát - 1


 

Vợ chồng ông Địu bón cơm cho con xong, tôi mới bước vào nhà. Thấy người lạ, Nga không ăn nữa mà cứ nhìn tôi cười khanh khách, rồi giãy đạp, với đôi chân teo tóp cô bé cứ đòi bò ra phía tôi. Ông Địu bảo: “Cái Nga kỳ quặc lắm chú ạ. Hễ thấy người lạ, là nó đòi thơm vào bàn tay hoặc má. Nếu không được, nó sẽ lên cơn khóc lóc ghê lắm”. Tôi vui vẻ chìa má cho Nga thơm.

 

Đỗ Thị Hằng năm nay đã 19 tuổi song trông chỉ như đứa trẻ lên 10, còn Nga thì mắt mờ, nghễnh ngãng, hết khóc tu tu rồi lại cười khanh khách suốt ngày đêm.

 

Bao nhiêu năm nay, mọi hạnh phúc, khổ đau của vợ chồng ông Địu đều dồn vào hai cô con gái này.

 

Kể chuyện về con, ông Địu lấy khăn lau nước mắt. Hằng sinh ra rất khỏe mạnh, xinh xắn. Từ năm lớp 1 đến lớp 6 em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đứng nhất nhì lớp, giấy khen dán kín tường chỗ góc học tập.

 

Thế nhưng, ông trời đã cướp mất hạnh phúc của vợ chồng ông Địu, khi năm lớp 6, lúc 12 tuổi, vào một sáng mùa đông, Hằng tự dưng lăn đùng ra lớp vì lên cơn co giật.

 

Ông Địu, bà Nức bị sốc nặng. Ông mang em ra tận Hà Nội chữa trị ở các bệnh viện lớn, song chẳng ăn thua gì. Đầu Hằng mỗi ngày lại sưng to hơn, tay chân thì teo tóp lại.

 

Vậy là, di chứng chất độc da cam cùng căn bệnh não úng thủy của Hằng, rồi tiếp tục đến Nga, đã cướp đi hạnh phúc của ông bà, biến ông bà thành “chúa chổm”.

 

Ông Địu đã chạy vạy vay khắp đồng đội, anh em, làng xóm, ngân hàng để có tiền mổ cho Hằng tổng cộng 4 lần, nhưng bác sĩ đều thông báo tin buồn là không thành công.

 

Cứ mỗi năm vài lần, ông Địu và bà Nức lại phải chắt chiu tiền bạc đưa con ra Hà Nội điều trị. Không đưa con đi thì con chết, mà đưa con vào viện thì bệnh viện lại trả về, vì nền y học hiện tại đang bó tay với căn bệnh quái ác này.

 

Mỗi khi lên cơn, chân tay em cứ co rúm lại, giãy đạp vì đau đớn. Những lúc nhìn con đau đớn, ông Địu thấy như có mũi tên xuyên vào tim mình.
 
15 lần sinh, 12 lần chôn con nơi cồn cát - 2
Mấy mươi năm nay, ông Địu - bà Nức cứ phải ngày ba bữa đè hai con ra đút cơm.

 

Ông Địu lại lau nước mắt: “Mấy lần leo lên thuyền mủng ra biển, tính nhảy xuống biển cho xong, nhưng nghĩ đến cháu Nga và cháu Hằng ngây dại ở nhà, không ai chăm sóc, tôi thấy mình lại phải sống”.

 

Ông Địu lôi dưới gối cho tôi xem một bức thư đã viết xong, với những dòng chữ tròn, nắn nót. Ngoài bì thư ghi: Kính gửi Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Công luận quốc tế…

 

Ông Địu bảo, những lúc tỉnh, Hằng vẽ rất đẹp, hát lại hay, nhưng chỉ hoạt động trí óc một lúc, em lại lên cơn đau đớn quằn quại, nên để hoàn thành bức thư gửi gắm niềm hy vọng vào công lý này, em đã phải viết trong nhiều ngày.

 

Hằng viết: “Bố mẹ cháu sinh được 15 người con, nhưng đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hiện đã chết 12, còn lại 3 chị em, đều bệnh tật nặng nề do di chứng chất độc. Bản thân bố cháu cũng bệnh tật, đau ốm thường xuyên, nên cuộc sống gia đình cháu vô cùng khó khăn. Tất cả đều do hậu quả chất độc da cam/dioxin của Mỹ gây nên…

 

Là một nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của Mỹ, sự sống của cháu còn rất ngắn ngủi, song trước phiên tòa công lý thế giới, cháu kính nhờ tòa đòi phía Mỹ phải có trách nhiệm pháp lý và đạo lý vì cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong đó, có gia đình và bản thân chị em cháu, đã và đang chịu nhiều thiệt thòi đau khổ do Mỹ gây nên... Cháu đang cố gắng sống với thời gian ít ỏi còn lại để mong thấy được công lý...”.

 

Đọc bức thư của cô gái lúc tỉnh táo, lúc ngơ ngẩn này, tôi thấy lòng mình thắt lại. Lẽ ra em đã là một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, hát hay, học giỏi, là niềm hy vọng và hạnh phúc của cả gia đình.

 

Người cha bất hạnh và 12 ngôi mộ sau nhà

 

Năm 1970, khi mới 18 tuổi, Đỗ Văn Địu cùng thanh niên trong làng xung phong ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện ngắn hạn, ông được điều vào chiến đấu tại khu vực Khe Tre - Khe Sầu (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Đỗ Văn Địu cùng đồng đội chiến đấu ròng rã 5 năm trời ở vùng đất khốc liệt nhất thời bấy giờ.

 

Những ngày ở chiến trường, ông Địu nhìn rõ máy bay Mỹ kéo qua bầu trời A Lưới rải một thứ bột gì đó mù mịt, khiến bạt ngàn rừng chết cháy. Không biết là chất độc gì, nhưng rất nhiều người hít phải đã chết. Đồng đội tên Kỵ của ông bị nhiễm độc, khiến vết thương lở loét, thịt thối rữa, rồi chết. Để chống độc, ông phải thấm nước tiểu vào khăn, rồi bịt mũi, mới dám thở.
 
15 lần sinh, 12 lần chôn con nơi cồn cát - 3
Ngày ngày ông Địu ra cồn cát thắp hương, trò chuyện với các con.

 

Trong một lần về phép, năm 1976, Đỗ Văn Địu đã cưới cô thôn nữ Phạm Thị Nức. Cưới xong, ông từ biệt vợ, tiếp tục vào Huế công tác.

 

Năm 1977, trong lúc đang làm nhiệm vụ, niềm vui khôn tả đến với ông khi hay tin vợ vừa sinh hạ một cậu con trai bụ bẫm. Tuy nhiên, nỗi đau khôn cùng lại ập đến khi vài tháng sau, ông nhận được tin báo con chết vì chứng bệnh phình to đầu. Bà con chòm xóm đã đưa đứa bé ra nghĩa địa ven biển chôn. Vợ ông đau lòng, phát bệnh thần kinh một thời gian.

 

Năm 1979, vợ chồng ông lại đón nhận niềm vui mới, khi cậu bé Đỗ Văn Trị ra đời. Tuy nhiên, cũng như anh nó, chỉ sống được 2 tháng thì chết, cũng với căn bệnh phình chướng đầu, vàng da, rỉ nước nhầy khắp người.

 

Những ngày đó, “con ma” chất độc da cam vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng, vợ chồng ông Địu coi là vận hạn, nên vẫn khát khao ấp ủ có một đứa con. Năm 1981, cô con gái Đỗ Thị Bình ra đời trong nỗi lo âu thắc thỏm. Bình càng lớn càng xinh đẹp và khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.

 

Sức khỏe của Bình khiến ông Địu tin rằng “thần may mắn” vẫn mỉm cười với vợ chồng ông. Thế là, một năm sau, bà Nức thai nghén đứa con thứ tư với ước vọng có thằng cu cho đủ nếp đủ tẻ.

 

Thế nhưng, cậu bé mà ông bà chưa kịp đặt tên, khi đang ngậm bầu vú mẹ, bỗng lên cơn co giật, mắt trợn ngược, la khóc man dại, rồi chết.

 

Với hy vọng ông giời không tiệt đường ai, vợ chồng ông Địu tiếp tục sinh con. Nhưng rồi, con số dài dằng dặc, đứa thứ 5 chết, đứa thứ 6 chết, đứa thứ 7 chết, đứa thứ 8 chết… đến đứa thứ 15 vẫn chỉ là điệp khúc “chết”. Chỉ 3 đứa trong tổng số 15 lần sinh nở là còn sống, trong đó, một đứa “hơi bình thường”, còn hai đứa là Hằng và Nga thì chịu di chứng chất độc da cam nặng nề.

 

Hôm tôi đến nhà ông Địu, Đỗ Thị Bình cũng ở nhà bố mẹ đẻ cùng con gái. Bình và cô cháu ngoại Hoàng Thanh Minh, 4 tuổi, là niềm hy vọng lớn nhất song cũng đầy khắc khoải của vợ chồng ông Địu.

 

Bình là cô gái đẹp thùy mị, từng có một mối tình đầy nước mắt với chàng trai thôn cạnh. Khi biết Hải có ý định cưới Bình, bố mẹ anh nhất quyết ngăn cản. Thế nhưng, hai người quyết tâm lấy nhau bằng cách sinh con trước.

 

Tuy nhiên, gần đây, thi thoảng Bình lại rơi vào trạng thái đau đầu. Thậm chí, cơn đau khiến em lăn ra ngất xỉu, không còn biết gì nữa. Chuyện này khiến gia đình bên chồng hết sức lo lắng, rồi lời ra tiếng vào, khiến em không đủ can đảm sống tiếp ở nhà chồng. Bình phải đưa con về nương nhờ bố mẹ đẻ. Hiểu nỗi lo lắng của ông bà thông gia, vợ chồng ông Địu cũng không dám có lời oán thán.
 
15 lần sinh, 12 lần chôn con nơi cồn cát - 4
Cô con gái Đỗ Thị Bình và đứa cháu ngoại này là nơi bấu víu hy vọng duy nhất của ông bà. Vậy nên ông không đủ dũng cảm đưa con, cháu đi xét nghiệm.

 

Dù không nói ra, nhưng ông Địu biết rằng, “con ma” chất độc da cam đã bắt đầu “ra tay” với niềm hy vọng duy nhất của vợ chồng ông. Rồi ngay cả đứa cháu ngoại, cũng không thể chắc chắn rằng nó không phải chịu di chứng của chất độc da cam. Vợ chồng ông Địu không đủ can đảm đưa mẹ con Bình đi xét nghiệm. Ông cứ sống trong niềm hy vọng. Ngày nào ông cũng thắp hương trên bàn thờ, trước mộ những đứa con xấu số, để cầu an cho mẹ con Bình.

 

Buổi chiều hôm ấy, ông Địu cầm bó hương dẫn tôi vòng lối sau nhà, lên đồi cát trắng mênh mông. Gió biển thổi lồng lộng, cát bay mù mịt...

 

Ông Địu bảo, ngày trước, ông chôn các con rải rác ở nghĩa địa ven biển, nhưng mấy năm trước, ông đem các con về gò cát sau nhà, để anh em sum vầy, và chiều chiều, ông lên trò chuyện với các con cho tiện.

 

Mỗi ngôi mộ chỉ là một lùm cát, xếp thành 3 hàng dọc. Mỗi nấm mồ có một tấm bia bằng bàn tay. Trên các tấm bia không có tên tuổi, chỉ có những con số, từ 1 đến 12. Cạnh những hàng mộ là một tấm bia to khắc dòng chữ: “Đỗ tộc hiện khảo tình thâm cốt nhục”.

Gió biển ngày đêm ầm ào dữ dội, thổi bay cả đụn cát to như quả núi, lấp đầy cả thung lũng. Do đó, ngày nào ông cũng phải vun lại những nấm mồ bị gió mài mòn, hoặc moi cát ra khi những cơn “bão cát” lấp mất mộ con mình.

 

Ông Địu sợ nhất những trận mưa lớn. Cứ mỗi khi có mưa rào, ông lại phải vác xẻng lên đồi đắp mộ cho con, bởi chỉ cần một trận mưa, những chiếc tiểu sành nho nhỏ lại trồi ra khỏi mặt cát.

 

Để hạn chế cát bay, ông trồng những hàng cây dương bao quanh khu mộ đàn con của mình. Ông hy vọng, sau này chết đi, hàng dương sẽ thay ông bảo vệ nấm mồ của những đứa con tội nghiệp.

 

Cắm xong nhang trên những nấm mồ, ông Địu quỳ trước tấm bia khấn vái: “Hôm nay có chú phóng viên về thăm các con rứa. Cha thắp cho các con nén nhang. Các con sống khôn chết thiêng thì phù hộ cho gia đình mạnh khỏe… Các con ở dưới ấy, nhớ mà bảo ban nhau…”.

 

Giọng ông Địu nghẹn lại, nước mắt lại chảy ra từ hai khóe mắt. Ông ngồi giữa bãi cát, nói chuyện với đàn con, cứ như thể chúng đang ngồi trước mặt nghe ông trò chuyện.

 

Bóng đêm tràn ngập bãi cát trắng mênh mông. Ông Địu vẫn ngồi nói nốt câu chuyện với các con của mình giữa khung cảnh khói hương nghi ngút. Tôi rời ngọn đồi cát trắng. Gió biển ào ào, cát bay ràn rạt...

 

Theo Phạm Ngọc Dương

VTCNews