1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

14 người chết, 34 người mất tích do tai nạn tàu cá trong 6 tháng

(Dân trí) - Theo Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ 1/1 - 24/6/2015, cả nước đã xảy ra 128 vụ tai nạn với tàu cá làm chết 14 người, bị thương 11 người, mất tích 34 người, 64 tàu cá bị chìm.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị “Triển khai Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc” sáng 26/6 tại Hà Nội.

Hàng chục tàu cá Việt Nam bị chìm trong 6 tháng đầu năm 2015 (Ảnh minh họa)
 
Hàng chục tàu cá Việt Nam bị chìm trong 6 tháng đầu năm 2015 (Ảnh minh họa)

Theo Cục Kiểm ngư, từ 1/1 - 24/6/2015, cả nước đã xảy ra 128 vụ tai nạn tàu cá làm chết 14 người, bị thương 11 người, mất tích 34 người, 64 tàu cá bị chìm. Trong số này, có 9 vụ tai nạn tàu cá xảy ra ở Nghệ An, làm 5 người chết.

Từ khi Quyết định 79 có hiệu lực thi hành từ 15/2/2015 thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam - Trung Quốc về các phát sinh đột xuất hoạt động nghề cá trên biển, Cục Kiểm ngư đã tiếp nhận và xử lý thông tin 32 vụ tàu cá Việt Nam bị tai nạn và sự cố nghề cá trên biển, 3 vụ tàu cá Việt Nam bị kiểm soát, bắt giữ.

Đường dây nóng đã hỗ trợ kịp thời ngư dân Việt Nam, giảm thiệt hại về người và tài sản cũng như thời gian xử lý các vụ việc nhanh chóng, kịp thời hơn.

Tuy nhiên, khó khăn khi triển khai từ phía Trung Quốc là Cục Ngư chính khu Nam Hải, Trung Quốc, cơ quan đầu mối thực hiện triển khai đường dây nóng phía nước bạn có sự thay đổi về tổ chức từ năm 2014. Cục này không còn là đơn vị đầu mối tiếp nhận thông tin, Trung Quốc lại chưa thông báo tên đơn vị mới là đầu mối trong việc tổ chức thực hiện…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Quyết định 79 có hiệu lực và đi vào hoạt động là cơ sở pháp lý quan trọng triển khai xử lý vấn đề trên biển liên quan đến nghề cá ngư dân hai nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc không có những động thái tích cực trong hoạt động triển khai. Do đó, cơ quan Trung ương cần phối hợp đồng bộ trong các hoạt động liên quan. Phía địa phương, UBND các tỉnh, thành phố cần giới thiệu các đầu mối tổ chức liên quan tham gia hoạt động, tổ chức trực ban 24/24h, đồng thời, tăng cường phối hợp các đầu mối với Cục Kiểm ngư… Địa phương cũng cần tham mưu cho cơ quan chủ quản để trình lên Bộ NN&PTNT, sau đó đề xuất với Chính phủ tiếp tục thỏa thuận với Trung Quốc về đường dây nóng này khi thỏa thuận kết thúc vào tháng 6/2016.

Nguyên An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm