TPHCM:
14 năm mang hạt hồng xiêm trong phổi
(Dân trí) - Liên tục ho ra đàm, tức ngực, khó thở... đi khám ở nhiều nơi vẫn không tìm ra bệnh, chị D. nhập viện Nguyễn Tri Phương điều trị. Cuối cùng BS gắp ra một hạt sa bô chê (hồng xiêm) nằm trong phổi chị D. từ 14 năm trước.
Đó là trường hợp hi hữu của chị N.T.D (23 tuổi) đang điều trị tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Trước đó khoảng một tháng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho ra đàm mủ, tức ngực, khó thở. Dù đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh. Chị đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương điều trị.
Dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ cho biết phổi của chị mắc dị vật gây tắc thùy dưới bên trái. Dị vật cũng khiến cho phổi của bệnh nhân bị mưng mủ, gây nên tình trạng ho ra đàm mủ.
Sa bô chê có hạt trơn, dễ xộc vào phổi nếu bị ho sặc trong lúc ăn.
Bác sĩ tiến hành nội soi gắp ra một hạt sa bô chê. Kết quả này khiến bệnh nhân không khỏi ngỡ ngàng. Theo trí nhớ của chị D., năm mới lên 9 tuổi chị bị sặc trong lúc ăn sa bô chê dẫn đến bị ho ra máu . Nhưng sau khi được điều trị tại bệnh viện địa phương tình trạng sức khỏe chị đã ổn định.
Theo nhận định hạt sa bô chê nằm trong phổi bệnh nhân suốt 14 năm qua. Dị vật nằm lâu ngày gây viêm mủ ở thùy dưới phổi trái. Nếu để tình trạng trên tiếp tục kéo dài thì nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân sẽ rất cao.
Hàng năm, hai bệnh viện nhi tại TPHCM tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị hóc hạt này. Tuy nhiên hầu hết đều được bệnh viện địa phương chẩn đoán là viêm phổi hoặc suyễn.
Các chuyên gia hô hấp khuyến cáo, hạt sa bô chê rất trơn. Trong lúc ăn hạt rất dễ sộc vào phổi hoặc gây tắc nghẽn đường thở nếu bị ho sặc. Trẻ em là những đối tượng dễ mắc phải tình trạng này. Trường hợp bị ho kéo dài, khó thở, tức ngực sau khi bị sặc trong lúc đang ăn trái cây mọi người nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Vân Sơn