111 người chết vì tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ
(Dân trí) - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4 - 3/5), cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 111 người, bị thương 138 người. Trung bình mỗi ngày xảy ra gần 38 vụ, làm chết 27 người và gần 34 người bị thương.
Riêng trong ngày nghỉ lễ cuối cùng (3/5) cả nước xảy ra 37 vụ, làm chết 37 người, bị thương 45 người. Đây tiếp tục là một diễn biến phức tạp vì số người chết tăng rất cao so với những ngày thường.
Trong tổng số 152 vụ tai nạn, đường bộ xảy ra 149 vụ, làm chết 108 người, bị thương 137 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 44 vụ nhưng tăng 3 người chết và giảm 12 người bị thương. Đường sắt xảy ra 3 vụ, làm chết 3 người, bị thương 1 người, tăng 2 vụ, tăng 2 người chết và tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2015. Đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 11 vụ, giảm 10 người chết, không tăng số người bị thương.
Những ngày nghỉ lễ vừa qua có 3 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm 10 người chết, 25 người bị thương, xảy ra tại Đắk Nông, Quảng Ngãi và Thanh Hoá.
Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, so với cùng kỳ năm 2015 (30/4 - 3/5/2015), tai nạn giao thông giảm 53 vụ (-25,8%); giảm 5 người chết (-4,3%), giảm 11 người bị thương (-7,3%). TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với 4 ngày lễ cùng kỳ năm 2015; không xảy ra TNGT đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, tai nạn giao thông đường sắt lại tăng 3 tiêu chí.
Đặc biệt, tai nạn giao thông tăng cao trong 2 ngày cuối, nguyên nhân chủ yếu là vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, như: Chạy quá tốc độ quy định, lấn đường vượt ẩu, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy.
Về ùn tắc giao thông, đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày nên nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện tăng rất cao, tăng nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Đặc biệt, trong ngày đầu của đợt nghỉ lễ tại một số tuyến đường quốc lộ, tuyến đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã xảy ra ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng.
Tại Thanh Hóa, từ ngày 30/4 đến nay, do số lượng người dân đến và đi từ bãi biển Sầm Sơn quá lớn đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường chính dẫn ra bãi biển. Lực lượng cảnh sát giao thông đã có phương án phân làn, phân luồng, nhưng do mật độ phương tiện quá đông, người điều khiển phương tiện giao thông chen lấn, không tuân thủ luật giao thông khiến trục đường chính dẫn xuống biển Sầm Sơn vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc.
Trên các tuyến cao tốc lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến tăng cao, xuất hiện ùn ứ cục bộ ở một số trạm thu phí (đầu vào các tuyến cao tốc). Bên cạnh đó, do đường cao tốc trên cao (vành đai 3 Hà Nội) xảy ra tai nạn giao thông nên đã dẫn đến tình trạng ùn ứ.
Ngày 3/5, các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông và phương tiện tuần tra kiểm soát được tăng cường trên các tuyến đường cửa ngõ vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nên tình hình giao thông được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc kéo dài.
Trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, các lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 113,945 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc 4.674,2 triệu đồng, tạm giữ 53 xe ô tô, 1928 xe mô tô, tước giấy phép lái xe 390 trường hợp. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra, xử lý 1020 trường hợp, nộp kho bạc 388,2 triệu đồng.
Qua đường dây nóng, dịp này số lượng phản ánh của người dân về điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm nhiều so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân. Nội dung phản ánh về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, tập trung chủ yếu các tuyến từ Hà Nội -Thanh Hóa, Nghệ An, Nình Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại...
C.N.Q