1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

108 “cây thần” châu Phi tại Hà Nội

“Tôi đang chăm sóc 108 cây bao báp châu Phi” - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Ngà, một nông dân Hà Nội. Đây là loại cây không dễ trồng. Để chứng minh, ông đã mời tôi đến nhà và 108 cây nổi tiếng của đất sa mạc bày ra trước mắt.

Những cây bao báp khổng lồ ở châu Phi. (Ảnh tư liệu: Internet)

Những cây bao báp khổng lồ ở châu Phi. (Ảnh tư liệu: Internet)

 

Câu chuyện 108 cây bao báp bất ngờ nảy mầm rồi sống khỏe của ông Ngà đến khá tình cờ. Trong một chuyến đi chơi các tỉnh miền trung, ông nông dân Hà Nội được “diện kiến” gã khổng lồ đất sa mạc tại Huế. Không có nhiều kiến thức về loài cây này nhưng sức sống và vẻ đẹp của những bông hoa bao báp khiến ông mê mẩn. Ông càng bất ngờ hơn khi biết đây là loài cây khổng lồ của miền đất sa mạc, có thể sống cả ngàn năm và những bọc rỗng ở thân có thể chứa được cả trăm ngàn lít nước.

 

Vớ được “kho báu”

 

Việc xin vài quả bao báp không khó bởi người quản lý cây quý này không giữ quả để làm gì. "Trước đó bao nhiêu người xin quả về nhân giống thử rồi, nhưng người ta bảo, có sống được đâu. Bao nhiêu lần Huế định nhân giống cây này trồng khắp thành phố nhưng không được. Tôi mang về cũng vì tò mò chứ chẳng mấy hi vọng" - ông Ngà chia sẻ.

 

Xách 3 quả bao báp về đến đất Thanh Oai, Hà Nội, ông cho chị họ 1 quả, bản thân cũng chẳng biết phải gieo hạt thế nào nên cứ thế vùi nốt 2 quả còn lại xuống đất. Được vài ngày, người họ hàng thông báo quả đã thối, thế là ông cũng coi như hết hi vọng với quả còn lại của mình. Nhưng bất ngờ, một trong hai cái đống đất ông vùi quả bao báp bỗng nhiên vồng lên. Cái vỏ cứng như đá, muốn đập vỡ phải dùng búa, đã nứt đôi. Bên trong hàng trăm mầm cây nhỏ xoắn xít nhìn như giá đỗ.

 

"Lúc đó tôi cuống lắm. Tẽ cái vỏ quả gỡ từng mầm một ra. Dễ phải có đến khoảng 200 cây nhỏ cuốn vào nhau. Dù rất cẩn thận nhưng tôi cũng chỉ lấy được khoảng 130 cây trọn vẹn, ghép vội vào túi nilon đất. Từ đó chúng cứ ầm ầm phát triển mà chả cần chăm sóc gì" - ông hào hứng kể về chuyện cây nảy mầm như vừa khám phá ra được một kho báu ngàn năm tuổi vậy.

 

Đến nay, qua vài tháng sống trong... túi nilon, 108 cây vẫn đang sống khỏe. Theo tính toán thì tỉ lệ nảy mầm của hạt bao báp khoảng trên 90%. Tỉ lệ sống theo cách làm của ông là trên 50%.

 

Giống như “cây thần”

 

Dẫn tôi ra khoảnh sân nhỏ trước nhà rộng chỉ vài mét vuông, chỉ vào cái đám cây rậm rạp như bụi sắn, ông bảo: "Cái giống cây huyền thoại đó đây".

 

Khi đến nhà ông, tôi mong được thấy những cái cây cao lớn, hay ít nhất cũng phải cỡ 5-6m chứ không phải thấp thấp ngang đầu người thế này. Ông cười: "Chú đừng nhìn qua mà đánh giá thấp. Tôi mang quả về vào đầu tháng 6, đầu tháng 7 chúng nảy mầm, thế mà bây giờ đã cao khoảng 2m rồi. Cao vậy nhưng chúng vẫn sống trong cái túi nilon nhỏ xíu này khỏe như thường".
 
Gặp người sở hữu 108 cây Bao Báp ở... Hà Nội
Những cây bao báp con đang được ươm trong túi nilon ở nhà ông Ngà

 

Cây bao báp nhỏ nhìn khá giống cây sắn (khoai mỳ) từ lá cho tới thân. Quan sát kỹ, các nốt sần trên cây khá giống cây gạo. Đó không phải là điều lạ bởi nếu đúng là bao báp "xịn" thì nó vốn là loài cây họ nhà gạo với thân xốp, lớn. Tuy nhiên, để xác định chính xác đây có phải cây bao báp có nguồn gốc châu Phi hay không, nó thuộc chi nào... thì còn cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học.

 

Nhưng cứ theo nguồn gốc mà ông Ngà nói thì 99% đây là chi bao báp nổi tiếng nhất trong họ bao báp ở châu Phi. Loài này có thể cao đến gần 30m, thân cực lớn, chu vi gốc thậm chí có thể lên đến 50m, xây được cả nhà bên trong thân cây... Một trong những lý do khác khiến loài cây này được coi là cây thần chính là bởi nó vừa là một loại cây thuốc, vừa cung cấp thức ăn, nước uống và chỗ ở cho người dân vùng sa mạc.

 

Theo Wikipedia, lá của chúng được dùng như một loại rau ăn trong khu vực phân bổ tại châu Phi đại lục, bao gồm Malawi, Zimbabwe và Sahel. Nó được dùng dưới cả hai dạng là rau tươi và bột khô. Tại Nigeria, người dân địa phương gọi lá của nó là kuka và dùng nó để nấu món xúp kuka. Cùi thịt khô của quả, sau khi tách khỏi các hạt và sợi, được ăn ngay hoặc trộn lẫn với cháo yến mạch hay sữa. Hạt được dùng chủ yếu như chất làm đặc cho các món xúp, nhưng cũng có thể được lên men thành gia vị hay nướng để ăn trực tiếp hoặc giã nhỏ để chiết dầu thực vật.

 

Thân cây còn là nguồn cung cấp sợi, thuốc nhuộm và dùng làm củi. Bao báp Australia (tiếng Anh: boab) được thổ dân dùng làm nguồn cung cấp nước và thực phẩm còn lá được dùng làm thuốc. Cây bao báp này hiện vẫn còn và nó là nơi thu hút khách du lịch.
 

Đất đâu để trồng?

Trái ngược với vẻ hào hứng ban đầu khi giới thiệu về loài cây, ông Ngà tỏ ra khá băn khoăn khi được hỏi định phát triển 108 cái cây này thế nào? "Tôi không ngờ chúng phát triển nhanh đến vậy. Mặc dù chúng vẫn sống tốt trong cái bầu đất nhỏ chỉ bằng mấy nắm tay này nhưng chẳng biết vài tháng nữa nó sẽ to đến đâu. Tôi không thể tìm đủ đất để trồng tới 108 cây" - ông Ngà băn khoăn.

 

Ông cũng khá thật thà khi khẳng định mình không hề có ý định kiếm lời từ những cái cây quý hiếm này. Ông chỉ nghĩ đơn giản, trồng thử, nếu thành công thì nhân giống, phát triển rộng ra khắp cả nước, thậm chí làm quà tặng cho chính các nước châu Phi, nơi loài cây này còn không nhiều.

 

  

Theo Cao Mạnh Tuấn

Thể thao & Văn hóa