1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

10 tháng, cả nước mất gần 6 triệu con lợn vì dịch tả châu Phi

(Dân trí) - Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu tháng 2/2019 đến nay, cả nước đã phải tiêu hủy 5,88 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng khoảng 337.000 tấn.

Liên quan đến diễn biến dịch tả lợn châu Phi, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Từ đầu tháng 2/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn phải tiêu hủy vì dịch bệnh này là 5,88 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 337.000 tấn (chiếm khoảng 8,5% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước).

Cũng theo ông Đông, Chính phủ đã bố trí trên 2.600 tỷ đồng hỗ trợ cho 21 tỉnh, thành phố để phòng chống dịch. Ngoài ra, Trung ương cũng bố trí ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên, nhiều địa phương chưa hoàn thiện hồ sơ để đề nghị hỗ trợ chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, Trung ương cũng đã cấp 955.000 lít hóa chất cho 57 tỉnh, thành phố để chống dịch. 

10 tháng, cả nước mất gần 6 triệu con lợn vì dịch tả châu Phi - 1

Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).

Về khâu kiểm soát dịch bệnh này, ông Đông cho biết: Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, việc tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch đồng bộ của Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trên cả nước, đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Từ tháng 6/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã giảm đáng kể ở các địa phương.

"Trong tháng 10/2019, số lợn buộc phải tiêu hủy chỉ còn là 433.000 con, giảm hơn 60% so với tháng 5/2019. Đã có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày không phát sinh dịch trở lại. Có 25 tỉnh, thành phố với trên 50% số xã dịch đã qua 30 ngày và có 9 tỉnh đã có trên 85% số xã dịch đã qua 30 ngày, tỉnh Hưng Yên đã cơ bản hết dịch. Chúng tôi đã tổ chức 4 hội nghị tổng kết để phổ biến nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Do đó, đã hạn chế được các mầm bệnh xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi" - ông Đông cho biết.

Về các giải pháp tiếp theo, người đứng đầu ngành Thú y cho biết: Nhận định dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020, đặc biệt là trong dịp Tết Canh Tý 2020, do thời tiết thay đổi sẽ tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển ảnh hưởng để sức đề kháng của vật nuôi. Việc vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật sẽ gia tăng mạnh nên nguy cơ phát sinh các dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao. 

10 tháng, cả nước mất gần 6 triệu con lợn vì dịch tả châu Phi - 2

Dịp Tết Canh Tý 2020 có nguy cơ thiếu thịt lợn.

"Vì vậy chúng ta cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt đồng bộ về phòng chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) các cấp cần chỉ đạo ngăn chặn kịp thời để xử lý các trường hợp buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt đối với lợn và sản phẩm thịt lợn ra vào Việt Nam" - ông Đông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đông, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ cho người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người chăn nuôi được vay vốn để mở rộng sản xuất và ngân hàng tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, chính xác kịp thời nguồn cung, giá thực phẩm trong nước và khu vực, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh cho người dân hiểu không đầy đủ và dễ xảy ra hiện tượng sốc tâm lý; UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng tinh thần của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và đẩy mạnh chăn nuôi, tái đàn ở các cơ sở chưa bị dịch hoặc có dịch nhưng qua 30 ngày,…

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm