10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024
(Dân trí) - Sự khốc liệt của cơn bão số 3 (Yagi), Luật Đất đai năm 2024 được thông qua, phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm chưa từng có trên thế giới… nằm trong top 10 sự kiện ngành TN&MT năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký quyết định công bố 10 sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2024.
Cụ thể, 10 sự kiện đó gồm:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, trung hòa carbon.
Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Kết luận yêu cầu các cấp, các ngành nhận diện xu hướng phát triển mới; thực hiện hiệu quả các định hướng, chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tổng thể về quản lý, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường trong tầm nhìn dài hạn, theo xu hướng đầu tư, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, tuần hoàn...
2. Luật Đất đai năm 2024 được thông qua và có hiệu lực thi hành sớm, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, động lực quan trọng cho đất nước phát triển. Đó là một quyết sách thể hiện sự quyết tâm và mang tầm vóc của một "đòn bẩy chiến lược", có nhiều nội dung chính sách mới mang tính đột phá.
3. Lần đầu tiên hoạt động địa chất được thể chế hóa bằng luật; tài nguyên địa chất, khoáng sản được quản trị theo chiến lược dài hạn, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua là đưa hoạt động địa chất cùng với khoáng sản vào quản lý, đặt trong chiến lược khai thác sử dụng dài hạn, hài hòa lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Luật đã cụ thể hóa việc bảo vệ tài nguyên địa chất như một phần quan trọng của hệ sinh thái.
4. Ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, tạo đà cho Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Lần đầu tiên, quy hoạch không gian biển quốc gia được ban hành, là một sự kiện mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quản lý và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, cụ thể hóa các cam kết về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam.
5. Việt Nam chính thức có kịch bản nguồn nước các lưu vực sông để quản lý theo mùa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long lần đầu tiên được xây dựng, công bố theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023.
6. Công viên địa chất tăng về số lượng và đóng góp ngày càng lớn cho phát triển bền vững, phát triển xanh của đất nước.
Cùng với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn với tổng diện tích trên 4.842km2 (chiếm 58% diện tích của tỉnh Lạng Sơn) trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ 4 của Việt Nam, minh chứng thêm cho sự độc đáo về giá trị địa chất, văn hóa, sinh thái của Việt Nam.
7. Việt Nam tiếp tục phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm chưa từng có trên thế giới. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vừa công bố báo cáo mới nhất liên quan tới điều tra loài tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Riêng tại Việt Nam phát hiện có 112 loài mới, quý hiếm.
8. Truyền thông chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường hướng đến địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả tích cực trong thi hành pháp luật.
Năm 2024, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên và môi trường được đẩy mạnh, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
9. Bùng nổ kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, phục vụ phát triển bền vững, chuyển đổi số của ngành.
Năm nay ghi nhận gần 20,5 triệu giao dịch chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường của hơn 500 dịch vụ; chuyển đổi số, hoàn thành kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai của 63/63 tỉnh, thành phố với 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
10. Mặc dù đã có dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời và chủ động ứng phó, song hiện tượng thiên tai dị thường, khốc liệt của cơn bão số 3 vẫn gây hậu quả rất nặng nề.
Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) với cường độ mạnh, diễn biến nhanh, phức tạp, bất thường với hàng loạt trị số cực đoan đã vượt xa mọi kịch bản dự báo thông thường của các quốc gia trong khu vực.
Dù đã được cơ quan chức năng dự báo, cảnh báo sớm và kịp thời, đã giúp các địa phương và người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại ở mức tối đa có thể, nhưng cơn bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp, vẫn gây ra những hậu quả rất nặng nề.
"Đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc về diễn biến ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu, sức mạnh tàn phá của thiên nhiên và tầm quan trọng sống còn của công tác dự báo, cảnh báo trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu để giảm thiểu thiệt hại cho con người và tài sản", Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.