Phó Thủ tướng nêu kỳ vọng khi hợp nhất Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương thực hiện hợp nhất, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.
Sáng 21/12, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã đạt được.
Bên cạnh những thành tựu, theo Phó Thủ tướng, trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước, việc xác định vị thế của các ngành, lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Tổ chức bộ máy chưa khoa học, còn chồng chéo, khoảng trống pháp lý chưa được khắc phục triệt để.
Trong khi đó, chất lượng môi trường cuộc sống chưa cải thiện triệt để. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đa dạng sinh học, nguồn nước đang suy giảm...
Nhấn mạnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không thể đảo ngược, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề: Việt Nam sẽ tiếp cận như thế nào để không lỡ nhịp?
"Đây là cơ hội rất lớn đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT khi bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm của phát triển", Phó Thủ tướng nêu kỳ vọng.
Như Dân trí thông tin trước đó, trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, tên gọi của Bộ sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Môi trường, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất và không gian sống của con người sẽ trở thành nền tảng cho phát triển bền vững, là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Môi trường phải được đưa vào ngay từ khâu thiết kế, hoạch định các chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế, xã hội với các mô hình kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2025 Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương thực hiện hợp nhất, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả theo nguyên tắc "một việc không giao cho 2 người", "chức năng, nhiệm vụ quyết định tổ chức, bộ máy".
Hai Bộ có mối quan hệ gắn bó mật thiết hữu cơ, nếu Bộ này làm tốt thì Bộ kia sẽ hưởng lợi và ngược lại. Từ góc độ này, Phó Thủ tướng tin tưởng, hai Bộ hợp nhất "sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào".
Do đó, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo động lực mới cho tiến trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.
Với truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Phó Thủ tướng tin tưởng việc hợp nhất giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN&PTNT sẽ tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết sáng tạo để làm tốt các nhiệm vụ ở từng vị trí công tác.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý nhà nước của ngành còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế: Một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương.
Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi, theo ông Duy đánh giá, chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí. Vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi.
Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ, hội nghị diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường khi đang tập trung thực hiện đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của Chính phủ.
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được; phân tích, chỉ rõ các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân và cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành.
"Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành trong năm 2025 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Nhưng tôi tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, với các giải pháp hiệu quả, khả thi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao", ông Duy tin tưởng.