Khánh Hòa:
“10 người lên núi tìm trầm, 9 người về tay không”
(Dân trí) - “Mười người lên núi thì có đến chín người về tay không. Dân tìm trầm cũng khổ cực chứ chẳng sung sướng gì. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, có trúng kỳ nam cũng chắc gì đã đổi đời...” - Phó trưởng CA huyện Khánh Sơn nói.
Tại khu vực "nóng" hiện vẫn còn hàng trăm người cố mong tìm vận may
Khi được hỏi, những người từ trên núi Gộp Ngà đi xuống đều lắc đầu ngao ngán cho biết không tìm được gì. Tưởng nhóm phóng viên cũng là người lên núi tìm trầm, một người đàn ông trong nhóm lên tiếng can ngăn: “Lên núi làm gì nữa, có trầm đâu mà đào. Tụi tôi từ Phú Yên vào cả tuần nay mà có được chút đỉnh nào đâu. Trúng mấy chục ký kỳ nam chỉ là tin đồn thôi, mấy ngày nay ai may mắn thì được vài mảnh nhỏ”.
Nhìn gương mặt của những dân phải về tay không thật thảm. Chỉ mới ăn rừng ở rú một tuần mà ai cũng gầy xọp, đen nhẻm, mắt trũng sâu vì nhiều đêm thiếu ngủ.
Không chỉ nhóm người Phú Yên, nhóm người dân ở Quảng Nam cũng lục tục xuống núi, nhẩm tính sơ bộ cũng tới gần trăm người.
Theo một trinh sát Công an huyện Khánh Sơn, dân Quảng Nam có tới 400 người, đa số đều đến từ huyện Đại Lộc. Dò hỏi thông tin của bốn người đầu tiên trúng kỳ nam, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời hết sức chung chung. Nài nỉ mãi, người đàn ông tên Ngọc (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) mới thú thật: “Chúng tôi kéo nhau vào đây tìm kỳ nam cũng chỉ vì nghe tin có người trúng lớn. Nhưng ai trúng, trúng được bao nhiêu thì không biết chính xác. Thấy họ đi mình cũng đi, nếu may mắn thì đổi đời”.
Thượng tá Phạm Hồng Sơn - phó trưởng Công an huyện Khánh Sơn - khẳng định: “Mười người lên núi thì có đến chín người về tay không. Dân tìm trầm cũng khổ cực chứ chẳng sung sướng gì. Ông bà ta có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, có trúng kỳ nam cũng chắc gì đã đổi đời. Trong bốn ngày trở lại đây có hàng trăm người đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa... đổ xô vào núi Gộp Ngà tìm kỳ nam. Thực trạng này đã dấy lên những lo ngại về tình hình an ninh trật tự và nạn phá rừng tại địa phương”.
Sáng 24/9, tại khu vực “nóng” còn khoảng 300 người đào bới tìm trầm. Tình trạng người dân các nơi đổ về thung lũng Ô Kha đào xới, chặt phá hàng loạt cây cổ thụ, hoa màu để tìm trầm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu rừng nguyên sinh này.
Để lập lại trật tự trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân huyện Khánh Sơn đã huy động các lực lượng bộ đội, công an, dân quân xã tăng cường chốt chặn, kiểm soát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Chiều 24/9, huyện Khánh Sơn tổ chức họp khẩn để tiếp tục bàn giải pháp, phân công lực lượng lập lại trật tự trên địa bàn.
Ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết: “Hai ngày nay, huyện đã tăng cường chốt chặn ngay đỉnh đèo; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ô tô, xe máy, hạn chế được thành phần lên tìm trầm. Sáng 24/9, cơ quan chức năng lên đến tận nơi, thấy bà con đã quay về rất đông. Lực lượng chức năng không cho vào khu vực đào bới nữa. Trường hợp bà con thu nhập thấp, vay mượn tiền lên và không có khả năng quay về địa phương, huyện sẽ hỗ trợ”.
Trịnh Anh