1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

10 năm lưu giữ báu vật chiến trường của cha

(Dân trí) - Cả đời mình, cựu binh Phạm Tuấn Ngọc chỉ để lại cho cậu con trai những cuốn sổ đã ngả màu thời gian với hàng trăm bài thơ, dòng nhật ký về những năm tháng chiến đấu ác liệt, và cả những tâm sự, suy nghĩ, lý tưởng chiến đấu quên mình vì Tổ quốc.

Gìn giữ “báu vật” chiến trường của cha

Trong một chuyến công tác về thôn Bót, xã Minh Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa trao quà cho những gia đình chính sách có công với cách mạng, nhân dịp 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tình cờ chúng tôi đọc được những bài thơ, dòng nhật ký chiến trường của cựu binh quá cố Phạm Tuấn Ngọc.

Bức chân dung duy nhất của cha được anh Luyện giữ gìn cẩn trọng.
Bức chân dung duy nhất của cha được anh Luyện giữ gìn cẩn trọng.

Từ nhỏ anh Phạm Văn Luyện (con trai cựu binh Phạm Tuấn Ngọc) thường được cha kể chuyện chiến trường và anh hiểu được rằng, để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, biết bao xương máu của cha ông đã đổ xuống. Ngày nhỏ, anh thường bắt cha đọc thơ trong cuốn nhật ký chiến tranh cho nghe. Sau ngày cha mất, anh nâng niu, gìn giữ những cuốn nhật ký như một báu vật.

Trước đây, gia đình anh Luyện chưa có ảnh thờ nên thường để cuốn nhật ký của cha lên bàn thờ. Vô tình một lần anh Luyện đi làm ăn xa, người em trai trong nhà lấy những vật dụng của cha đi hóa đốt, vậy là một phần ký ức chiến tranh của người cha để lại đã biến thành tro bụi.

Khi trở về, anh Luyện mới giảng giải lý do muốn lưu giữ những tập nhật ký của cha, người em anh Luyện vội vàng lục lại vật dụng của bố và may mắn giữ lại được gần chục cuốn nhật ký và thơ chiến trường của cựu binh Phạm Tuấn Ngọc, được ông bọc nilon cất kĩ trong hòm.

Rất nhiều huân, huy chương, bằng khen được Nhà nước trao tặng cho cựu binh Phạm Tuấn Ngọc.
Rất nhiều huân, huy chương, bằng khen được Nhà nước trao tặng cho cựu binh Phạm Tuấn Ngọc. sinh năm 1944 - mất tháng 4/1996, nguyên quán thôn Bót, Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nhập ngũ ngày 7/12/1965, đơn vị C23, D17 tỉnh Đội Thanh Hóa.

“Lo lắng những dòng nhật ký cuối cùng của cha bị mất đi lần nữa, hơn 10 năm làm ăn phiêu bạt xa nhà, ngày nào tôi cũng mang theo bên mình. Mỗi khi mệt mỏi, thậm chí chán nản trong cuộc sống, tôi lại lật những dòng nhật ký ra đọc để quên đi những chuyện buồn, và cũng như một nguồn động viên khích lệ để tôi quyết tâm vượt lên mọi khó khăn…”, anh Luyện tâm sự.

Ảnh thời trai trẻ của cựu binh Phạm Tuấn Ngọc hoạt động trong quân ngũ.
Ảnh thời trai trẻ của cựu binh Phạm Tuấn Ngọc hoạt động trong quân ngũ.

Anh Luyện còn cho biết thêm, hiện anh đang học tập, công tác ở Hà Nội, mỗi khi bạn bè yêu văn chương đến chơi anh hay đem thơ và nhật ký của cha ra để bình luận. Sau mỗi buổi “đàm đạo” bạn bè ai cũng nghẹn lời, cảm phục ý chí người lính năm xưa.

Minh chứng một thời máu lửa

Ông Nguyễn Minh Châu, đồng đội cũ của cựu binh Phạm Tuấn Ngọc, kể lại: “Sau ba tháng huấn luyện ở tỉnh đội Thanh Hóa, tàu chở bộ đội vào Nam. Gần 6 năm, trải qua bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu chiến trường, anh Ngọc đã tranh thủ những giờ nghỉ chân, những lúc ngừng tiếng bom để viết lại những bài thơ, những dòng nhật ký. Trong cuốn sổ của anh có ghi lại về miền đất anh qua, những trận đánh và niềm tin chiến thắng. Có những dòng gửi cho mẹ, cho anh trai và các em, cho người con gái mà anh yêu, cho thầy giáo cũ, cho cả những người dân đã cưu mang anh bộ đội giải phóng quân, và cả cho một người bạn đã ngã xuống…”.

Những tập nhật ký còn sót lại mà anh Luyện lưu giữ được.
Những tập nhật ký còn sót lại mà anh Luyện lưu giữ được.

Ông Châu nhớ lại, trong trận đánh ở chiến tuyến Trường Sơn, máy bay B52 của Mỹ cắt bom dữ dội, rất nhiều đồng đội đã hi sinh, bản thân đồng chí Ngọc cũng bị thương nặng, tưởng mình không qua khỏi, anh Ngọc đã trao cuốn nhật ký cho tôi giữ với lời dặn: “Nhỡ tớ có mệnh hệ gì, cậu hãy đưa cuốn nhật ký này cho gia đình giúp mình”, bằng ý chí kiên cường cộng chút may mắn, lần đó đồng chí Ngọc đã qua cơn nguy kịch.

Trong mưa bom bão đạn, có những khoảnh khắc bình dị bên đồng đội cựu binh Phạm Tuấn Ngọc đã làm những bài thơ tặng đồng đội:

“Làm anh giải phóng thật hay

Ở đời nếm hết điều hay nỗi buồn

Rừng xanh biển cả bốn phương

Hay là ở tận chiến trường cực Nam

Dấu giày in khắp chiến trường…

Thái độ lồng lộng - Trên đại ngàn trường sơn.

(Bài “Đời anh giải phóng quân” trích trong tập nhật ký chiến trường tháng 5/1969).

Như lời kể của cựu binh Nguyễn Minh Châu, giây phút mệt mỏi sau mỗi trận đánh, nghe thơ ông Ngọc mọi người đều hào hứng quên cả mệt nhọc.

Trong tập nhật ký có hàng trăm bài thơ, hàng trăm dòng tâm sự, ghi lại những tình cảm, những nỗi niềm của các chiến sĩ trong chặng đường hành quân. Đó là bài “Không giờ” (ngày 22/6/1969): “Không giờ xuất phát ra đi/ Thân dò tay gậy như khi tuổi già/ Suối băng cũng phải lấy đà/ Khập khiễng khập khà như là bị thương/…Đêm về nằm thấy ẩm ê cả người…”. Bài thơ được viết khi được lệnh hành quân sang chiến trường Lào, với nỗi niềm nhớ quê hương: “Con thương nhớ mẹ, Mỹ thua con về”.

Anh luôn trân trọng những kỷ vật mà cha mình đã để lại.
Anh luôn trân trọng những kỷ vật mà cha mình đã để lại.

Đôi khi, nhật ký là nơi bày tỏ sự trăn trở, những nghĩ suy của người lính trẻ. Mỗi trang giấy được lật qua, là sự “lớn lên” mỗi ngày trong tâm hồn người lính. Trong một đêm không ngủ, người lính năm xưa đã có những dòng suy nghĩ sâu sắc về tuổi trẻ, lý tưởng, tình yêu… Đó cũng là tiếng lòng anh gửi tới những người đồng đội của mình.

Nhật ký chiến trường của cựu binh Phạm Tuấn Ngọc chính là lý tưởng, nền tảng vững chắc của tình yêu quê hương đất nước. Nỗi niềm của cựu binh Phạm Tuấn Ngọc trước khi mất truyền lại cho cậu con trai Phạm Văn Luyện, với tâm nguyện, làm sao giữ gìn được “nhật ký chiến trường”, để lớp lớp thế hệ sau đừng bao giờ quên quá khứ hào hùng của cha ông đã ngã xuống vì độc lập tự do của nước nhà.

Hiện nay anh Phạm Văn Luyện đang lưu giữ các bản chính về thơ và nhật ký chiến trường. Những tập thơ còn thất lạc anh đang tiếp tục sưu tầm lại và cất giữ vô cùng cẩn thận.

Duy Tuyên - Minh Sơn