1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

10 năm “lận đận” của những tuyến đường trên cao

(Dân trí) - Từ đầu thế kỷ 21, TPHCM đã tính đến chuyện xây dựng đường trên cao để giải quyết vấn nạn kẹt xe trong trung tâm TP. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực.

10 năm “lận đận” của những tuyến đường trên cao - 1

4 tuyến đường trên cao theo quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt
 
Sau 10 năm vẫn nằm trên giấy

 

Đến năm 2005, ý tưởng trên đã được xây dựng thành mục tiêu, thể hiện bằng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TPHCM đến năm 2020. Theo đó, TPHCM dự định đến năm 2020 sẽ xây dựng xong 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau để giải quyết giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng giao thông lớn. 

 

Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê  duyệt bằng quyết định số 101/QĐ-TTg ban hành ngày 22/1/2007. Ngay sau đó, TPHCM đã công bố quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia kế hoạch xây dựng 4 tuyến đường trên cao này. TPHCM ví những tuyến đường này như những con rồng trên bầu trời TP, liên thông và cân bằng phát triển giữa các khu vực, giải tỏa áp lực giao thông cho TP.

 

Kế hoạch này ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế. Đến ngày 6/12/2007, công ty GS E&C đã ký kết với TP bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao số 1 theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác thu hồi vốn - chuyển giao). Nhưng sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, đến tháng 2/2009, công ty GS E&C xin rút lui.

 

Tuyến số 2 và số 4 cũng nhanh chóng có nhà  đầu tư quan tâm xin nghiên cứu. Tháng 2/2008, UBND TPHCM cũng đã chính thức giao cho tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) nghiên cứu khả thi xây dựng dự án xây dựng tuyến số 2, giao cho Tổng công ty xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng tuyến số 4.

 

Tuy nhiên, đến nay tuyến số 2 chỉ mới lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tuyến số 4 chỉ mới lập xong đề xuất dự án. “Bi thảm” hơn cả là tuyến số 3. Kể từ lúc TP kêu gọi đầu tư đến nay, dự án này vẫn chưa được đơn vị nào “đánh tiếng” xin nghiên cứu.

 

Như vậy, cả 4 tuyến đường trên cao của TPHCM sau 10 năm ấp ủ ý tưởng, xây dựng quy hoạch, kêu gọi đầu tư… đến nay vẫn nằm trên giấy.

 

Sẽ còn tiếp tục… nằm im

 

Ngoại trừ  tuyến số 3 không ai để ý đến, cả 3 tuyến còn lại đều đã được nghiên cứu 2 - 3 năm, tại sao vẫn chưa có tiến triển đáng kể?

 

Tuyến số 1 được công ty GS E&C “giành” đầu tiên. Nhưng theo UBND TP thì “điều kiện kinh tế không thuận lợi và tập trung nguồn lực cho dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài” nên GS E&C đành bỏ cuộc.

 

Tuyến số 2, 4 tuy thuận lợi hơn nhưng gặp phải vướng mắc về quy hoạch nên đành ngừng lại chờ TP xin ý kiến Trung ương.

 

Theo nhà đầu tư, hướng tuyến số 2 theo quy hoạch được Thủ tướng duyệt, có tính khả thi không cao do ảnh hưởng đến quy hoạch ga Hòa Hưng của tuyến đường sắt quốc gia. Ngoài ra, tuyến này còn đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, bề rộng đường nhỏ và quy hoạch lộ giới các tuyến đường này không đủ để xây dựng đường trên cao. Nếu thực hiện, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sẽ rất cao.

 

Còn tuyến số 4, nhà đầu tư cũng cho là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao nên khó khả thi. Ngoài ra, theo nhà đầu tư thì hướng tuyến đã được duyệt sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của các địa bàn có đường trên cao số 4 đi qua, phương án thi công cũng sẽ ảnh hưởng đến giao thông khu vực…

 

Chính vì vậy, các nhà đầu tư phải kéo dài thời gian nghiên cứu hướng tuyến khác, khả thi hơn sau đó đề xuất TP thực hiện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Chính phủ, UBND TP cũng đã có văn bản xin Chính phủ điều chỉnh hướng tuyến của tuyến số 2 và số 4 theo đề xuất của nhà đầu tư vào tháng 1/2010.

 

Hiện Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất này. Đợi Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xong, gửi Chính phủ phê duyệt TPHCM mới có thể bắt đầu các thủ tục đầu tư tiếp theo. Do vậy, các dự án này có lẽ sẽ phải nằm trên giấy thêm một thời gian dài nữa.
 

4 tuyến đường trên cao theo quy hoạch đã được duyệt

 

+ Tuyến 1: từ nút giao Cộng Hoà theo đường Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

 

+ Tuyến 2: từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường số 3 - đường vành đai 2.

 

+ Tuyến 3: từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Cừ nối dài - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh. 

 

+ Tuyến 4: từ nút giao thông Bình Phước theo quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn - đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1.

 

Tuyến số 2 và 4 theo điều chỉnh TPHCM đề xuất

 

+ Tuyến 2: từ điểm giao với tuyến 1 tại cầu số 5 kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè - hẻm 657 Cách Mạng Tháng 8 - Bắc Hải - hẻm 2 Thiên Phước - hẻm 654 Âu Cơ - Lạc Long Quân - công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - Chiến Lược - Mã Lò - hương lộ 2 - quốc lộ 1A.

 

+ Tuyến 4: từ nút giao thông đường Vườn Lài - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật, rạch Lăng - cắt đường sắt Bắc Nam tại cầu Đen - Phan Chu Trinh - vượt rạch Cầu Bông - Điện Biên Phủ - nối tuyến 1.

 

Tùng Nguyên