10 năm bán nước nuôi chim…hoang
Câu chuyện về bà cụ bán nước vỉa hè ở ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành (Hà Nội) nuôi một "đàn con hàng trăm đứa” khiến nhiều người cảm động.
Bà Tim (quê ở một xã rất nghèo của huyện Quốc Oai, Hà Nội), cho đến bây giờ, vẫn không có gia đình, phải nương nhờ vợ chồng cô cháu gái bên nhà ngoại đang sống ở Hà Nội.
Trong lúc mở quán bán nước bên vỉa hè, bà chợt phát hiện quanh nơi bán hàng thường xuyên có vài ba chú sẻ nâu bay lượn và miệng lúc nào cũng "kêu inh ỏi" vì đói.
Thương những con chim đói nên những ngày hôm sau, ngày nào bà cũng mang thóc gạo bỏ dưới gốc cây xà cừ cho ăn. Từ khi được cho ăn, tính nết những con chim thay đổi hẳn. Chúng không kêu nhiều và không xục xạo vào những đống rác bẩn thỉu kiếm thức ăn như trước nữa.
Thay vào đó, những con chim bay nhảy trên những ngọn cây, hót líu lo và rủ thêm bạn về ngày một đông hơn. Rất nhiều chim lạ kiếm ăn ngang qua thấy có nhiều đồ ăn nên những ngày sau đó cũng chỉ quanh quẩn trên những ngọn cây, đói lúc nào lại sà xuống ăn gạo bà Tim đã rắc sẵn.
Cho đến thời điểm hiện nay, đàn chim sẻ thường xuyên tập trung trên những ngọn xà cừ khu vực ngã tư đường giao Bà Triệu và Tô Hiến Thành lên đến vài trăm con. Chim tập trung đến càng nhiều thì thức ăn tiêu tốn càng lắm...
Sau 10 năm chăm chút đàn chim, bà Tim coi chúng như là "con cái trong nhà" nên tìm mọi cách chăm sóc và bảo vệ. Có lần một tốp thanh niên đi uống rượu say ở đâu đó ngang qua, thấy nhiều chim thì cầm gạch định ném chết đem về làm thịt. Bà Tim đang rót nước cho khách thấy thế vội chạy ra lùa lũ chim bay lên cây. Tốp thanh niên thấy cảnh ấy vội bỏ gạch và lặng lẽ chuyển đi sang bên kia đường mà không dám giáp mặt bà…
Trong suốt 10 năm chăm sóc đàn chim, bà chưa bao giờ để lũ chim bị đói. Cũng vì sợ bầy chim bị đói nên những hôm trời mưa to gió lớn hay những hôm trời rét cắt da cắt thịt, bà vẫn dọn hàng ra bán để được nhìn thấy và chăm sóc đàn chim của mình.
Bà bảo, nhiều hôm, trong giấc mơ, bà thấy lũ chim kêu nhiều, sợ chim đang bị đói thật nên dù trời chưa sáng, bà vẫn mang gạo ra đổ đầy dưới gốc cây cho chúng ăn.
"Mà lũ chim cũng thật lạ. Chúng vẫn thực hiện việc sinh sản ở đâu đó và kéo về đây ngày một đông. Ngần ấy năm nuôi chúng, hẳn có con đã già và đã chết. Nhưng chắc chúng... sợ tôi buồn nên đã tìm cách hóa kiếp lặng lẽ ở một nơi nào đó tôi không nhìn thấy?", bà Tim nói.
Đã mười năm nay, cứ vào thời gian cận Tết, khi đường phố ai ai cũng nô nức đi sắm sửa thì bà lại lặng lẽ đi chợ Mơ mua hàng bì thóc, gạo tích trữ để cho chim ăn. Khi năm mới đến, thay vì đi chúc Tết, lễ chùa, thì từ ngày 30 và cả những ngày đầu năm mới, bà đều dọn quán bán hàng. Những ngày ấy, Hà Nội vắng teo, đường hiếm có một bóng người nên ngồi từ sáng đến chiều, có khi chẳng có ai vào uống nước.
Mặc dù không có khách vào mua hàng nhưng những ngày Tết chính là những ngày bà Tim vui nhất trong năm. Bởi khi ấy, bà mới có cơ hội gần gũi lũ chim nhất và lũ chim cũng thỏa sức sà xuống ăn, đậu trên vai, trên tay, trên đầu bà mà không bị nhiều người qua lại làm phiền.
Vì tình yêu kỳ quặc này của bà với lũ chim sẻ, nhiều người đã ví đó là thứ tình "yêu rồ dại và mù quáng". Bà bảo, ngồi bán nước và cho chim ăn ở góc phố, nhiều người nhìn thấy vẫn bảo bà lẩn thẩn. Bà thì không chắc mình có lẩn thẩn hay không, nhưng bà bảo, sự quan tâm của bà với bầy chim sẻ, như tình yêu của người mẹ với những đứa con vậy. Nói rồi, bà Tim lại ngước mắt nhìn lên những ngọn xà cừ có hàng trăm chú chim...