10 luật có hiệu lực từ 1/7 sẽ phải “chờ” 54 văn bản quy định chi tiết
(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho biết 54 văn bản quy định chi tiết thi hành 10 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, trong đó có 22 nghị định, quyết định theo kế hoạch phải trình Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5/2015 nhưng đến nay vẫn chưa trình.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng vừa ký văn bản gửi Chính phủ báo cáo tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh tháng 6 và nhiệm vụ tháng 7/2015.
Theo Bộ Tư pháp, ngày 1/6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, trong đó yêu cầu: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 4/6, Bộ Tư pháp đã có công văn đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Tuy nhiên, trong tổng số 60 văn bản nợ đọng, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ mới ban hành được 5 văn bản (2 nghị định, 3 thông tư), đạt tỷ lệ 8,33%. Còn 55/60 văn bản (12 nghị định, 32 thông tư, 11 thông tư liên tịch) nợ đọng chưa được ban hành, chiếm 91,67%. Trong đó “đứng đầu bảng” thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường với 13 văn bản chưa ban hành.
Bộ Tư pháp đã phân loại 55 văn bản nợ đọng theo cơ quan chủ trì soạn thảo như sau:
TT | CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO | SỐ VĂN BẢN CHƯA BAN HÀNH | ||||
Tổng số | Phân loại | |||||
Nghị định | Quyết định | Thông tư | Thông tư liên tịch | |||
| Bộ Tài nguyên và Môi trường | 13 | 1 |
| 9 | 3 |
| Bộ Y tế | 9 |
|
| 8 | 1 |
| Bộ Quốc phòng | 8 | 1 |
| 3 | 4 |
| Bộ Kế hoạch và Đầu tư | 5 | 4 |
| 1 |
|
| Bộ Công an | 5 | 2 |
| 2 | 1 |
| Bộ Lao động, Thương binh và XH | 5 | 1 |
| 4 |
|
| Bộ Xây dựng | 3 |
|
| 3 |
|
| Bộ Nông nghiệp và PTNT | 3 |
|
| 1 | 2 |
| Bộ Giáo dục và Đào tạo | 3 | 2 |
| 1 |
|
| Bộ Tài chính | 1 | 1 |
|
|
|
Tổng số | 55 | 12 |
| 32 | 11 |
Ngoài ra, đối với 80 văn bản quy định chi tiết thi hành 15 luật, pháp lệnh chưa có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đã ban hành được 3/80 văn bản (1 quyết định, 2 thông tư) quy định chi tiết 2 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015. Còn lại 77/80 văn bản (41 nghị định, quyết định và 36 thông tư, thông tư liên tịch), hiện đang được các Bộ, cơ quan ngang Bộ tích cực nghiên cứu, soạn thảo để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Trong số 77 văn bản nêu trên, Bộ Tư pháp cho biết có 54 văn bản quy định chi tiết thi hành 10 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, trong đó có 22 nghị định, quyết định phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015 nhưng đến nay vẫn chưa trình.
Theo Bộ Tư pháp, trong tháng 7 và những tháng tiếp theo năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ chỉnh lý, hoàn thiện 55 văn bản còn nợ đọng quy định chi tiết 18 luật, pháp lệnh để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, nhất là đối với 11 văn bản đã phát sinh nợ đọng từ năm 2014. Đồng thời nghiên cứu soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 77 văn bản quy định chi tiết thi hành 14 luật chưa có hiệu lực thi hành, bảo đảm chất lượng, tiến độ và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.
“Trong tháng 6/2015, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ là rất chậm, số lượng nợ đọng còn rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu do luật, pháp lệnh có nhiều nội dung giao quy định chi tiết; trong tháng 6/2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tập trung nguồn lực cho việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua tại kỳ họp thứ IX; trong khi công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan chưa chặt chẽ”- Bộ Tư pháp nêu rõ.
Thế Kha