1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“1 tuần tôi đi 3 đám tang, người mất đều mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp”

(Dân trí) - Đại biểu Bùi Thị An cho hay, việc chăm sóc sức khỏe cho người bị tai nạn lao động được quy định, tai nạn lao động có thể gây chết người, bị thương, xây xát, nhưng vấn đề bị bệnh nghề nghiệp sau đó là vấn đề lớn, bởi 10 năm, 20 năm sau bệnh mới phát tác.

Vấn đề tai nạn lao động, sức khỏe người lao động được bàn trong buổi thảo luận về Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nghị trường Quốc hội sáng nay (25/5).

2 ngày 3 vụ tai nạn lao động

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, từ kỳ họp thứ 8 đến nay, trong khi Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật VSATLĐ thì tại Hà Nội và một số địa phương khác xảy ra các sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng (TNLĐ), không chỉ đối với người lao động mà đối với cả những người khác, người đi qua đường hoặc di chuyển trong khi vực thi công các công trình xây dựng.

“Gần đây, có trường hợp chỉ trong 2 ngày xảy ra 3 sự cố gây nguy hiểm, thậm chí làm chết người đi đường, không liên quan đến người lao động hay người sử dụng lao động, điều này gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành đều quy định cá nhân có quyền bất khả xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của mình.

Chỉ vì sơ suất, bất cẩn trong tổ chức lao động đã khiến cho sức khỏe, tính mạng của công dân bị suy giảm, bị tước đoạt, gây nên nỗi đau khổ cho nhiều gia đình và là gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, Luật ATVSLĐ không chỉ quan tâm đến ATLĐ đối với người lao động, người sử dụng lao động mà phải quan tâm đến cả những người khác có liên quan” - đại biểu Khánh nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - đoàn TP Hà Nội

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - đoàn TP Hà Nội

Nữ đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật ATVSLĐ hiện nay mới chỉ tập trung quy định bảo đảm ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động mà chưa quy định việc đảm bảo VSATLĐ đối với những người có liên quan. 

Đại biểu Khánh đề nghị, trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cho rà soát lại các điều khoản để bổ sung các quy định đảm bảo ATVSLĐ đối với những người có liên quan. Đề nghị sửa đổi Luật không chỉ để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm cho người lao động, người sử dụng lao động mà còn cho cả những người khác.

Tham gia góp ý về Dự thảo Luật ATVSLĐ, đại biểu Trương Minh Hoàng - đoàn Cà Mau - đề cập đến Khoản 1, Điều 12 với các hành vi bị nghiêm cấm. Đó là cấm người sử dụng lao động buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời bỏ nơi làm việc khi phát hiện thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động trở lại làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.

“Vừa qua có trường hợp người lao động thấy nguy cơ nhưng người quản lý không cho nghỉ và tai nạn đã xảy ra. Tôi đề nghị là ai thấy cũng được, khi có nguy cơ thì không được yêu cầu làm việc” - đại biểu Hoàng cho hay.

Trong khi đó, bàn về TNLĐ tại nhà, đại biểu Lưu Thành Công - đoàn Vĩnh Long - cho rằng, người sử dụng lao động hiện nay gần như đang khoán trắng cho người lao động, khi TNLĐ xảy ra thì người sử dụng lao động đứng ngoài cuộc, không có trách nhiệm, không thực hiện bồi thường.

Theo đại biểu Công, “người lao động yếu thế cần có pháp luật bảo vệ” nên trong Dự thảo Luật cần quy định cụ thể đối với người sử dụng lao động, phải kiểm tra đảm bảo yêu cầu thì mới chấp nhận giao việc tại nhà cho người lao động. Trường hợp xảy ra TNLĐ thì người sử dụng lao động phải thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với người lao động, theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đề nghị quy định về bồi thường tổn thất tinh thần khi TNLĐ xảy ra mà nguyên nhân hoàn toàn do người sử dụng lao động.

Bệnh nghề nghiệp đeo đẳng cả đời!

Nhấn mạnh đến vấn đề bệnh nghề nghiệp của người lao động, đại biểu Trần Thanh Hải - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng cần đặt lên hàng đầu nguyên tắc ưu tiên các biện pháp phòng ngừa và loại trừ, kiểm soát các vấn đề tai nạn lao động vì TNLĐ, phải kiểm soát được bệnh nghề nghiệp vì nó đeo đẳng người lao động đến suốt cả cuộc đời, là gánh nặng của gia đình người lao động và cả xã hội.

Đại biểu Trần Thanh Hải - đoàn TPHCM (ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Trần Thanh Hải - đoàn TPHCM (ảnh: Việt Hưng)

“Trước hết, phải khẩn trương hơn trong việc công bố bệnh nghề nghiệp, dự án luật đã có tiếp thu, quy định danh mục những bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH ban hành, tuy nhiên với quy định như vậy vẫn chưa hợp lý vì việc rà soát, bổ sung bệnh nghề nghiệp chỉ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội là xem xét nước ta hiện nay như bối cảnh năm 1976 (quy định về 8 bệnh nghề nghiệp). Sau 38 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển mình rất lớn nhưng cũng chỉ công bố thêm 21 bệnh nghề nghiệp nâng tổng số các bệnh nghề nghiệp lên 29 trong khi tổ chức lao động quốc tế đã ban hành danh mục 54 nhóm với 105 bệnh nghề nghiệp, Pháp có 88 bệnh nghề nghiệp, Trung Quốc có 102 bệnh nghề nghiệp” - đại biểu Hải góp ý.

Về việc khám sức khoẻ cho người lao động, theo đại biểu Hải, doanh nghiệp không tự giác thực hiện thì cũng khó ép. Năm 2014 chỉ có trên 1,1 triệu người lao động được khám sức khoẻ định kỳ, giảm đến 46,5% so với 2013. Ông Hải đề nghị, cần bổ sung người sử dụng lao động có nghĩa vụ khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, đồng thời cần phải giám sát việc thực hiện.

“Khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp, với các bệnh nặng nhọc, nguy hiểm, đề nghị khám ít nhất 1 năm 1 lần, việc này được thực hiện rất ít trong thời gian vừa qua. Trong 20 năm qua, trung bình chỉ có có 101.000 người được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp...” - đại biểu Hải dẫn chứng.

Cũng bàn về vấn đề bệnh nghề nghiệp, đại biểu Bùi Thị An - đoàn Hà Nội - cho hay, việc chăm sóc sức khỏe cho người bị TNLĐ được quy định, TNLĐ có thể gây chết người, bị thương, xây xát, nhưng vấn đề bị bệnh nghề nghiệp sau đó là vấn đề lớn, bởi không phải là 1 ngày 2 ngày, 1 - 2 năm, mà là 10 năm, 20 năm sau bệnh nghề nghiệp mới phát tác, người lao động mới phát hiện mình bị ung thư; hoặc nếu người lao động nhiễm độc chì thì chất độc hại này sẽ phân hủy trong cơ thể người lao động suốt cuộc đời… Đề nghị cần phải có quy định cụ thể để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị TNLĐ.

“Trước khi đến hội trường tôi nhận được phản ánh của cử tri về việc rất đau lòng là 1 tuần phải đi 3 đám tang của người thân và bạn bè. Những người mất đều ở tuổi rất trẻ, người thì bị ung thư phổi, người thì ung thư dạ dày… Nguyên nhân được xác định là đều có liên quan tới việc bị tích tụ bệnh từ nghề nghiệp từ lâu nhưng không xác định được, bây giờ phát hiện ra thì đã quá muộn. Riêng việc này đã làm bao gia đình tan nát, người chết, hao tốn tiền của, kinh tế gia đình lụi bại…” - đại biểu Bùi Thị An thông tin.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm