"1% dân số Việt Nam có ô tô"
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, xe ô tô, đặc biệt là xe dưới 12 chỗ ngồi, không phải là mặt hàng thiết yếu cho nông dân. Chỉ có 1% dân số Việt Nam có xe ô tô.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chính phủ có phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất ôtô đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, với mục tiêu là làm thế nào để đến năm 2010 - 2020, Việt Nam hình thành được một ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước.
Với tinh thần như thế có rất nhiều những giải pháp và chính sách đi theo, trong đó chính sách thuế là một trong những giải pháp và cũng nhằm bảo hộ, chống nhập khẩu bên ngoài vào.
Hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính và các Bộ đánh giá lại chiến lược này để đặt ra chính sách cho phù hợp. Trên nguyên tắc như vậy, thuế của Việt Nam, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh với mức rất cao để khuyến khích sản xuất ô tô trong nước.
Lý giải về tình hình giá ô tô tăng mạnh trong thời gian qua, Ông Ninh cho hay: “Theo cam kết của WTO, khi chúng ta trở thành thành viên của WTO và chương trình tổng thể về xu hướng thuế phải giảm xuống, theo lộ trình đó, cho nên năm 2007 chúng tôi bắt đầu điều chỉnh thuế giảm xuống theo lộ trình, nếu trong tình hình kinh tế bình thường, không có vấn đề gì xảy ra thì đấy là một chủ trương đúng.
Tuy nhiên đến năm 2008 tình hình nhập siêu tăng cao, trên 70%, nhóm hàng ô tô và linh kiện sản xuất ô tô tuy kim ngạch không lớn, nhưng là nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, chính vì thế nên chủ trương của Chính phủ đặt ra mục tiêu trước mắt, cấp bách là kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, cho nên phải áp dụng đồng loạt các biện pháp, trong đó có chính sách thuế để hạn chế nhập khẩu, hạn chế nhập siêu”.
Bộ trưởng Ninh cũng thừa nhận giá ô tô của Việt Nam hiện đắt hơn các nước, nhưng ông Ninh cũng thanh minh: “Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế này lên, đây là điều thực hiện đúng, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh tình thế này là cần thiết phải làm. Đúng là giá mua xe của Việt Nam đắt hơn các nước. Nhưng nếu so sánh với các nước như Singapore với chúng ta, cộng các chi phí để lăn được bánh ở Singapore thì xe ở Singapore đắt hơn chúng ta”.
Công nghiệp ô tô vốn được coi là xương sống của ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp ô tô phát triển cũng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Theo tính toán với quy mô thị trường khoảng 500.000 xe/năm thì công nghiệp ô tô sẽ tạo ra khoảng hơn 1 triệu việc làm với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp. Khi sản xuất ô tô đáp ứng được nhu cầu trong nước, thậm chí là xuất khẩu, sẽ làm thay đổi cán cân thương mại. Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, với nhu cầu về ô tô tăng mạnh, nếu Việt Nam không có một ngành công nghiệp ô tô thì vào năm 2020 mỗi năm sẽ phải chi khoảng 3 tỷ USD để nhập xe. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được bắt đầu vào năm 1991 với sự xuất hiện của 2 công ty ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là Mekong và VMC. Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có hơn 160 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô ra đời, trong đó có tới gần 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô. Để có ngành công nghiệp ô tô thì châu Âu mất 100 năm, Nhật Bản mất 50 năm và Hàn Quốc mất 30 năm. |
Lê Châu