Tái mặt với nhà vệ sinh công cộng
(Dân trí) - Ở các đô thị Việt Nam, vấn đề xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) vẫn được coi là thứ yếu. Vấn đề “tế nhị” này đã làm ảnh hưởng ít nhiều tới sự phát triển hoàn chỉnh của các đô thị, hình ảnh của đất nước trong mắt du khách…
Dầm mình trong cơn khổ ải
Một nữ hướng dẫn viên của một công ty lữ hành có tiếng ở Hà Nội khi nhắc đến câu chuyện cái toilet ở Hà Nội cứ xua tay loạn xạ! "kinh khủng! trải nhiều mình còn ghê, còn cạch thì nói gì đến khách quốc tế".
Theo kinh nghiệm của chị, để khách đỡ kêu, mỗi dẫn khách đi city tour, khi tập kết dưới sảnh khách sạn, chị lại nhắc khéo khách: chúng ta có thể đi vệ sinh tại khách sạn sau khi thực hiện lịch trình của tour. Đấy chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, đã có lần chị “ngượng chín cả mặt” khi một ông khách của tôi sau khi bước ra khỏi cửa NVSCC nói thẳng với tôi rằng đi vệ sinh ở Việt Nam các bạn y như dầm mình trong cơn khổ ải!
“Tôi rất dị ứng với cảnh một số người cứ lấy bờ tường, gốc cây làm nơi “trút bầu tâm sự”. Thật là thiếu ý thức tôn trọng cộng đồng”- anh David, du khách Mỹ chia sẻ.
Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một du khách nước ngoài, bước vội tới NVSSCC nằm trên bờ Hồ Hoàn Kiếm đoạn đằng sau khu vực Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam phải khựng lại vì bắt gặp cảnh một nhân viên dịch vụ của nhà vệ sinh này thiu thiu ngủ trên chiếc giường nằm ngáng lối ra vào của nhà vệ sinh.
Tâm sự với chúng tôi; một số nhân viên làm nhiệm vụ trông coi nhà vệ sinh cho biết; họ làm như vậy là bất đắc dĩ, bởi lẽ lương thấp cả ngày phải ngồi một chỗ. Họ tận dụng bán thêm chỉ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong khi hàng giờ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đều có đội tuần tra an ninh trật tự quanh hồ để xử lý đội bán hàng rong, câu rùa trộm ở khu vực này thì tại các điểm NVSCC, các nhân viên đều bày bán hàng, chiếm dụng gần hết nhà vệ sinh công cộng, tạo hình ảnh mất thẩm mỹ đối với khách du lịch lại không bị xử lý.
Tại khu vực nhà vệ sinh trên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn đối diện với nhà hàng cá mập, một chủ quán nước cho hay: mặc dù không muốn bày hàng cạnh NVSCC nhưng ngồi cạnh nó không sao chứ cứ chạy ra xa vaì mét thể nào cũng bị thanh tra giao thông hay đội tuần tra an ninh trật tự đuổi.
Trong khi hệ thống NVSCC cũ lại quá xuống cấp. Tại Ga Hà Nội, nơi có lượng du khách vào Hà Nội khá đông, mới chỉ có vài NVSCC được nâng cấp. Còn lại hầu hết các khu NVSC cũ đều chật chội, ẩm thấp. Nền nhà tuy được ốp gạch, nhưng cáu bẩn, vàng khè lúc nào cũng nhơm nhớp nước, nằm cạnh khu nhà chờ tàu luôn nườm nượp kẻ ra người vào.
Nhà vệ sinh cũng phải… hấp dẫn
Tấp xe vào khu vào một nhà VSCC trên phố Phủ Doãn, Hà Nội anh Hoàng (du khách đến từ Huế) bàng hoàng, lao ra thật nhanh, chốt bị mắc, cửa khép hững hờ. Không có nước xối, không có giấy vệ sinh, không có đồ rửa tay…chỉ có độc một cái bồn rửa. Có người ở trong hay không khó mà biết. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cứ tưởng mình là duy nhất chịu cảnh ấy không ngờ, vừa đẩy cửa bước ra phía ngoài anh Hoàng đã thấy có hai người đàn ông khác đang chờ sẵn ở ngoài...
Đoạn đường quanh bờ hồ dài tới gần 2 km đường nhưng chỉ được bố trí vài nhà VSSCC. Sẽ không tế nhị lắm khi chúng tôi so sánh quan niệm khác nhau về cái toilet ở nước ta và Malyasia- một quốc gia đang nuôi tham vọng thu hút hàng chục triệu khách quốc tế mối năm, khi cách đây gần chục năm chính phủ nước này đã cho khai trương cái toilet đầu tiên trong "chuỗi" toilet công cộng công nghệ cao (high -tech public toilets) ngay tại thủ đô Kuala Lumpur, khởi đầu cho chiến dịch nhắm đầy lùi thói quen xâu khi đi vệ sinh của người dân. "Nền văn hoá toilet quốc gia" (national loo cultrue) của người dân Malyasia được cổ vũ khá rầm rộ từ mấy năm qua. Để tạo cho quốc gia này trở thành một điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách.
Dường như, Hà Nội đã quên mất rằng hiện Hà Nội có rất nhiều người dân tại khi ở ngoài đường là ngồi trên xe đạp, xe máy, xích lô cộng với đó là một lượng du khách không nhỏ ... trong khi cơ chế tổ chức quản lý NVSCC hiện nay ở Hà Nội vẫn chưa khoa học.
Đã có ý kiến cho rằng, trong khi Hà Nội đang thiếu toilet công cộng, nên yêu cầu tất cả các nhà hàng khách sạn, các cửa hàng mặt phố đóng góp với cộng đồng thông qua việc cho tất cả các du khách được sử dụng toilet của họ, nhưng đến nay ý kiến này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Cũng có quan điểm cho rằng: Vấn đề quan trọng không phải là thiếu vốn đầu tư, cũng không phải ở phương thức thực hiện, mà nằm ở nhận thức của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, lúc này chúng ta không nên đổ hết trách nhiệm cho riêng một ai. Phải công bằng mà nói, dân ta nhiều người cũng chưa có thói quen coi trọng vệ sinh và giữ gìn NVSCC. Và cuối cùng, yếu tố quan trọng góp phần giải quyết vấn nạn bảo vệ nét đẹp cảnh quan đô thị chính là ý thức, trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành. Họ cần phải thay đổi nhận thức rằng, việc đầu tư cho NVSCC là một yếu tố không thể thiếu trong một đô thị hiện đại.