Ẩm thực: Con đường ngắn nhất đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới
(Dân trí) - Ẩm thực Việt Nam là nguồn chất liệu vô cùng phong phú để tạo nên diện mạo du lịch cho một quốc gia. “Con đường nhanh nhất chiếm được cảm tình người khác chính là đi qua bao tử”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel, Trưởng ban Vận động Thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nêu quan điểm.
Thưa ông Nguyễn Quốc Kỳ, những giá trị ẩm thực mà Việt Nam đang có là gì, xin ông chia sẻ?
Món ăn người Việt thanh tao, ít chất béo, chất đạm có độ vừa phải, dùng rau nhiều và món luộc món hấp chúng ta cũng dùng nhiều.
Bên cạnh đó chúng ta cũng đa dạng về địa lý, từ ôn đới cho đến nhiệt đới, chúng ta có nhiều dân tộc… và cả sự hội nhập nhiều nền văn hóa đã tạo nên một nét ẩm thực vô cùng phong phú. Tuy nhiên, để biến giá trị ẩm thực đang có thành giá trị một quốc gia thì chúng ta chưa nghĩ đến.
Xu hướng đưa văn hóa ẩm thực ra khỏi phạm vi lãnh thổ của các nước trên thế giới hiện nay đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Các quốc gia hiện nay theo xu hướng cạnh tranh bằng nhiều hình thức, trong đó có cạnh tranh mềm.
Cạnh tranh mềm là cạnh tranh về tình cảm, nhận thức, sự hiểu biết của mọi người xung quanh đối với đất nước mình.
Cạnh tranh làm sao để người ta biết đất nước mình nhiều nhất, hiểu đất nước mình nhiều nhất, đến đất nước mình nhiều nhất hoặc người ta tôn trọng mình, sử dụng sản phẩm mình nhiều nhất thì nó sẽ tạo cho chúng ta sự vượt trội.
Ông là người làm du lịch, vậy nét văn hóa ẩm thực Việt nào được du khách thường xuyên nhắc đến?
Đến Việt Nam người ta nghĩ ngay đến phở, bánh mì thịt nướng, nói đến nước mắm là nghĩ ngay đến nước mắm Phú Quốc…Khi nhắc đến một chủ thể nào đó mà người ta sẽ định danh ngay là nó ở đâu như thế sẽ thúc đẩy sự lan tỏa.
Nhiều năm nữa, văn minh nông nghiệp, ở đây là nên văn minh lúa nước của chúng ta sẽ vẫn là chủ đạo cho dù có sự xuất hiện của công nghiệp. Chính vì thế, Việt Nam đang đứng đầu về nông, thủy hải sản đặt thù như: Tôm, cá, tiêu, điều, cà phê, chè…
Khi Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực chính thức hoạt động, điều cơ bản nhất và đầu tiên, Hiệp hội sẽ làm gì?
Làm cách nào để làm tăng giá trị chuỗi sản phẩm đó thì chúng ta phải hành động và hành động như thế nào.
Có phải, chúng ta đưa văn hóa ẩm thực vào, tạo thành các thực đơn đẳng cấp thì chuỗi giá trị này được nâng tầm hơn không.
Sản phẩm khi có sự đầu tư về hình thức, cách chế biến thì sẽ thăng hoa, giá cao hơn nhiều so với giá xuất thô bình thường. Điều này thực thi thì có nghĩa thúc đẩy nền công nghiệp chế biến đồ ăn, thức uống phát triển để chúng ta có thể công nghiệp hóa nó.
Công tác quảng bá là cực kỳ quan trọng, người ta thường nói: “tình yêu nhanh nhất là qua con đường bao tử”, giá trị ẩm thực tác động ngay, tạo ấn tượng ngay khi người ta nếm, ngửi, ăn, uống để biết được cà phê quá ngon, con cá quá tươi…
Hiện nay, khoảng 20.000 nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài rất nổi tiếng, nếu chúng ta làm tốt ẩm thực trong nước và kết nối tốt với những địa chỉ này ở nước ngoài thì chúng ta có một mạng lưới truyền tải văn hóa ẩm thực Việt cực tốt. Qua đó, chúng ta sẽ thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến với Việt Nam.
Đối với hệ thống các quán ăn nhà hàng trong và ngoài nước hiện nay, Hiệp hội sẽ hỗ trợ, làm tăng giá trị sản phẩm của họ bằng việc chuẩn hóa công thức chế biến món ăn, đào tạo đầu bếp cũng như cung cấp nguyên liệu…
Tôi tin trong thời điểm hiện tại, ẩm thực là con đường ngắn nhất và nhanh nhất đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm trong nước, nuôi dưỡng và lưu giữ văn hóa ẩm thực Việt.
Xin cám ơn ông!
Phạm Nguyễn