1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rời bỏ lương tháng 30 triệu đồng để hồi hương, lao động VN được nhiều hơn mất

(Dân trí) - “Sẽ là khập khiễng khi nói về mức lương khi làm việc ở Hàn Quốc và VN. Mỗi thị trường lao động có đặc điểm riêng. Nhưng về lâu dài, lao động hết hạn hợp đồng nên tìm việc làm bền vững ở quê nhà. Họ được gần gũi với gia đình. Điều này khó có thể đánh đổi được”.

Cơ hội việc làm cho lao động VN hồi hương từ Hàn Quốc.(Thực hiện Hải Đông).

Đây là tâm sự của ứng viên Tạ Thị An, một lao động vừa trở về từ Hàn Quốc, khi tới tìm việc tại Phiên GDVL cho lao động hồi hương từ Hàn Quốc. Chương trình do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội.

Khi nào nên chọn lương cao?

Tạ Thị An cho biết: “Tại Hàn Quốc, công việc thợ điện của tôi có thu nhập trung bình từ 25-30 triệu đồng/tháng. Nay về nước, tôi xác định mức lương ở công việc có tính chất và thời gian tương đương chỉ từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng/tháng”. Tuy nhiên, ứng viên 23 tuổi quê ở Thái Nguyên này thừa nhận, mỗi thị trường lao động có một điều kiện khác nhau.

Sự so sánh đôi khi là khập khễnh vì còn nhiều thứ khác mà lao động ở quê nhà có được như: Gần gũi với gia đình, tìm kiếm các cơ hội phát triển việc làm bền vững…

“Lao động sau khi kết thúc hợp đồng nên về nước. Như thế, họ còn có cơ hội quay lại Hàn Quốc hợp pháp để làm việc, tránh sự bắt bớ và xử phạt. Đồng thời cũng tạo cơ hội cho ứng viên khác sang Hàn Quốc làm việc” - Tạ Thị An giải thích thêm.


Phiên GDVL thu hút đông ứn viên là LĐ hồi hương từ Hàn Quốc tới dự.

Phiên GDVL thu hút đông ứn viên là LĐ hồi hương từ Hàn Quốc tới dự.

Cùng suy nghĩ với Tạ Thị An, ứng viên Trương Văn Hoan (26 tuổi, quê ở Nghệ An) cho biết: Một vài người có tâm lý cư trú bất hợp pháp để cố làm để có thu nhập và sau này sẽ có thêm một khoản tài chính trước mắt. “Nhưng về lâu dài, họ sẽ mất đi kinh nghiệm làm việc ở VN. Chưa kể việc ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước” - Trương Văn Hoan nói.

Làm công việc điều kiển máy CNC ở Hàn Quốc, Trương Văn Hoan cũng có thu nhập khoảng 30-32 triệu đồng/tháng. “Nhưng vì lợi ích lâu dài, tôi đã quyết định về nước để ứng tuyển tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN”.

Với Nguyễn Thị Nụ - một lao động cư trú bất hợp pháp vừa hồi hương theo chính sách miễn xử phạt của chính phủ Hàn Quốc - ngoài mức lương cao, mục tiêu làm việc còn cần phải có sự đảm bảo an toàn và bền vững.

Trao đổi với PV Dân trí, ứng viên Nguyễn Thị Nụ cho rằng: “Khi hết hợp đồng, lao động nên về nước. Tôi hy vọng các mô hình TT DVVL của Bộ LĐ-TB&XH sẽ có nhiều chương trình tạo việc làm phù hợp với lao động”.

Lợi thế tuyển dụng

Dự phỏng vấn tại Phiên GDVL hôm 26/4, nhiều ứng viên hồi hương từ Hàn Quốc có sự tự tin trước nhà tuyển dụng.

Ứng viên Nguyễn Thị Nụ chia sẻ, phần lớn các doanh nghiệp ở Hàn Quốc có môi trường làm việc khá bài bản, về: Kỷ luật lao động, giờ làm việc và nghỉ ngơi…Điều này đòi hỏi người lao động có tinh thần, thái độ nghiêm túc. “Chính vì vậy, nếu ứng tuyển vào doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN, chúng tôi có thể giao tiếp với chủ người Hàn, chưa kể kinh nghiệm về tác phong làm việc công nghiệp sẽ hòa nhập nhanh với môi trường”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội:
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội:

"Vấn đề giảm tỉ lệ lao động VN về nước không đúng hạn là điều được Sở LĐ-TB&XH Hà Nội quan tâm. Chính vì vậy, các Phiên GDVL có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN nhằm tạo ra nguồn việc làm cho họ yên tâm về nước".

Với ứng viên Phạm Đình Tuân, 27 tuổi ở Bắc Ninh: “Làm việc trong môi trường công nghiệp, tôi ý thức khá rõ giá trị của việc tuân thủ kỷ luật lao động. Đơn cử với việc đứng máy cắt gọt kim loại, nếu tôi không tuân thủ quy trình làm việc thì ảnh hưởng trước hết tới sức khỏe và tính mạng của mình.

“Tính kỷ luật, tác phong và thái độ làm việc công nghiệp. Ngoài ra, ứng viên đều sử dụng được ít nhiều ngôn ngữ tiếng Hàn. Đây là những lý do khiến chúng tôi quan tâm tới Phiên GDVL dành cho lao động VN hồi hương từ Hàn Quốc” - một nhà tuyển dung tại Phiên GDVL cho biết.

Cơ hội việc làm hấp dẫn

Trao đổi với báo giới tại Phiên GDVL hôm 26/4, ông Song Kil Yong- Giám đốc Trung tâm EPS tại VN - tin tưởng cơ hội cao khi trúng tuyển của lao động hồi hương trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại VN.

“Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc (chủ yếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ) ưu tiên tuyển lao động VN do làm việc chăm chỉ, có trình độ tay nghề, nhanh nắm bắt các kỹ năng...” - ông Song Kil Yong thừa nhận.

Tuy nhiên, đại diện của Trung tâm EPS tại VN cho rằng, lao động VN cũng cần sớm nâng cao trình độ kỹ năng, khả năng ngoại ngữ sớm thích ứng hoàn cảnh mới.

Theo bà Vũ Thị Thúy Liễu - Phó GĐ TT DVVL Hà Nội - Từ nay tới cuối năm 2016, TT DVVL Hà Nội sẽ kết hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức thêm nhiều Phiên GDVL nhằm hỗ trợ người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước tìm việc làm, ổn định cuộc sống.

“Điều phân vân lớn nhất của nhiều ứng viên là sự chênh lệch giữa thu nhập ở VN và Hàn Quốc. Nhưng phía sau mức lương còn là nhiều sự đánh đổi. Lao động làm việc ở Hàn Quốc không có cơ hội gần gia đình, ít có không thể lựa chọn nhiều làm lâu dài trong nước. Thực tế cho thấy, nhiều lao động sau khi về nước có gia đình và công việc ổn định thì không còn nhu cầu đi tiếp” - bà Vũ thị Thúy Liễu nói.

Phiên Giao dịch việc làm hôm 26/4 tại TT DVVL Hà Nội có sự tham gia của 34 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, với gần 700 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh thuộc các ngành nghề như: Kinh doanh - marketing, phiên dịch, thợ điện - điện lạnh, xây dựng, tổ trưởng sản xuất…

Tin liên quan:

Chi 4.800 tỷ đồng bảo hiểm thất nghiệp

“Tổng số chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2015 ước là 4.800 tỷ đồng, giảm 0,41% so với năm 2014, tương ứng với 20 tỷ đồng…”. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với các đại biểu Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2015, tại buổi họp của UBTV Quốc hội tháng 3 vừa qua.

Rời bỏ lương tháng 30 triệu đồng để hồi hương, lao động VN được nhiều hơn mất - 3

Theo đó, tính đến 31/12/2015, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam là 10.287.594 người, tăng 1.067.841 người, tương ứng tăng 11,58% so với năm 2014. Nhưng, số thu vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước là 9.470,3 tỷ đồng, giảm 21,05% so với cùng kỳ năm 2014, tương ứng với số thu giảm 2.525,3 tỷ đồng.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Lý do số thu bảo hiểm thất nghiệp giảm là do theo quy định của Luật Việc làm, từ năm 2015, ngân sách Nhà nước không thực hiện hỗ trợ trực tiếp 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà sẽ căn cứ vào tình hình kết dư của quỹ để hỗ trợ, bà Chuyền giải thích.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết 31/12/2015, có 283.244 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 7,3% so với năm 2014, tương ứng tăng 19.249 đơn vị. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.065.378 người, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2014 tương ứng tăng 612.856 người.

L.H

Nhiều người lao động chưa hiểu rõ về bảo hiểm thất nghiệp

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tại buổi Tọa đàm trực tuyến về chính sách BHTN và việc làm, chương trình do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức hôm 31/3 tại Hà Nội.

Rời bỏ lương tháng 30 triệu đồng để hồi hương, lao động VN được nhiều hơn mất - 4

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác. khi bị mất việc người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Nhiều lao động dành thời gian tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống, rồi mới tính đến việc học nghề. Một số công ty ở các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu là tuyển lao động phổ thông nên khả năng chuyển việc nhiều, gây ra tâm lý không cần học nghề”.

Để thu hút đông lao động tham gia chính sách BHTN, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng giải pháp trước tiên cần đẩy mạnh sự hợp tác, phối hợp liên ngành gồm Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, LĐ-TB&XH, cùng sự phối hợp của tổ chức đoàn thể nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để người lao động đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động nhằm hỗ trợ người thất nghiệp có nhu cầu hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm sớm tìm được việc làm mới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học nghề, thông tin thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp.

C.T

Hoàng Mạnh