1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghỉ việc tránh dịch Covid-19, tính lương ra sao?

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, không ít người lao động phải lựa chọn hình thức làm việc ở nhà, thậm chí là nghỉ việc. Vậy cách tính lương ra sao nếu chọn hình thức nghỉ việc tránh dịch?

Nghỉ việc tránh dịch Covid-19, tính lương ra sao? - 1

Hưởng lương do nguyên nhân khách quan 

Tại Khoản 3, Điều 98 Luật Lao động năm 2012 đã nêu: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận”.

Tuy nhiên, mức lương của người lao động trong trường hợp này sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Theo quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được quy định như sau: Vùng là 4.420.000 đồng/tháng; Vùng 2: 3.920.000 đồng/tháng; Vùng 3: Mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng 4: Mức 3.070.000 đồng/tháng.

Hưởng lương theo chế độ nghỉ phép

Theo Điều 111 Luật Lao động 2012, trong trường hợp có đủ 12 tháng làm việc cho một đơn vị sử dụng lao động, người lao động được hưởng nguyên lương trong hợp đồng và nghỉ phép theo các mức sau:

12 ngày đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

14 ngày đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt; lao động chưa thành niên; người khuyết tật;

16 ngày đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.

Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Nghỉ không lương theo thoả thuận 

Tuỳ điều kiện của từng đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có thể thống nhất việc cho người lao động nghỉ không lương trong thời gian cụ thể.

Khi hết dịch bệnh hoặc hết thời hạn thoả thuận, người lao động có thể quay lại làm việc.

Tuy nhiên, trường hợp nghỉ việc trên 14 ngày, người sử dụng lao động cần thông báo cụ thể với người lao động việc có thể phải dừng đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Hoàng Mạnh