1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề đầu bếp: Phải biết bắt đầu từ vị trí… “phụ bếp”

“Đa số nhân sự học nghề đầu bếp ra đều có “mơ mộng” làm bếp trưởng ngay với mức thu nhập từ vài nghìn đến hàng chục nghìn USD nhưng lại không chịu bắt đầu từ chức danh… “phụ bếp” - Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nghề đầu bếp dù có thu nhập cao, nhu cầu lớn song vẫn bị “lệch pha” với thị trường tuyển dụng.

Ông Trần Hữu Đoàn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia (SULECO) - trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, nhận định như thế tại Ngày hội tư vấn và tuyển dụng việc làm nghề bếp, diễn ra tại TP.HCM sáng 14.8.

Nhu cầu cao, thu nhập nghìn đô

 - 1

Sinh viên tìm hiểu công việc nghề đầu bếp tại ngày hội  tuyển dụng nghề bếp sáng 14.8

Theo ông Đoàn, hiện nhu cầu tuyển dụng nghề bếp chỉ tính riêng khu vực TP.HCM cũng đang rất “hot”, chưa kể đến cơ hội được làm việc và định cư ở nước ngoài với nghề này. Theo ông Đoàn, có thể kể đến nhiều đơn vị tuyển dụng trong và ngoài nước đang có nhu cầu nhân lực ngành đầu bếp cao như: 

Golden Gate - Đơn vị quản lý của 11 chuỗi nhà hàng với 67 cửa hàng khắp cả nước như: Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ… hiện đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 nhân sự là đầu bếp và phụ bếp làm việc tại các TP lớn của Việt Nam với mức lương 3,5 triệu (với vị trí phụ bếp) và trên 30 triệu (với vị trí đầu bếp).

Tương tự, VinMart (thuộc tập đoàn VinGroup), bao gồm 2 hệ thống chuỗi siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart+ cũng đang tuyển hàng chục vị trí đầu bếp/phụ bếp với mức lương khởi điểm từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Càng hấp dẫn hơn là nhu cầu tuyển dụng đầu bếp đi làm việc ở nước ngoài với mức lương hàng chục triệu đồng đến gần trăm triệu đồng/tháng, chưa kể cơ hội định cư nước ngoài.

Theo ông George Elzy Lucas, đại diện Speedy Global Việt Nam (Nhà tuyển dụng quốc tế cho các du thuyền 5 sao) cho biết: Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển dụng 100 vị trí đầu bếp, phụ bếp và pha chế với mức lương tối thiểu từ 40.000USD/năm.

Đợt tuyển dụng đầu tiên sẽ làm việc tại Úc và làm cho các tàu du lịch 5 sao. Cơ hội dành cho ứng viên là có thể đưa gia đình theo định cư sau khi làm việc 2 năm tại Úc.

Tương tự, Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia cũng đang tuyển dụng 100 đầu bếp và phụ bếp làm việc tại Nhật với mức lương tối thiểu 165.000 yên/tháng (khoảng 28,5 triệu đồng), được tăng lương sau 3 tháng. Ngoài ra, lao động cũng được ưu đãi mang theo gia đình sang Nhật trong suốt quá trình làm việc (5 năm).

Vẫn “lệch pha” giữa cung và cầu

Dù nhu cầu cao, thu nhập hấp dẫn nhưng thực tế sự “bắt nhịp” giữa nhu cầu và lực lượng lao động nghề đầu bếp vẫn chưa đồng đều. Bằng chứng là hàng năm có hàng nghìn lao động tốt nghiệp nghề đầu bếp từ các trường nghề, cao đẳng ẩm thực… vẫn thất nghiệp.

Giải thích lý do này, ông Trần Hữu Đoàn, Phó tổng giám đốc SULECO nói: Nhiều SV ra trường vẫn có quan điểm học xong thì phải làm đầu bếp chứ không chịu bắt đầu từ vị trí phụ bếp. Nhưng ở góc độ nhà tuyển dụng thì chẳng ai lại tuyển vị trí đầu bếp mới ra trường, họ cần người có kinh nghiệm nên chính quãng thời gian là “phụ bếp” chính là kinh nghiệm quý báu mà nhà tuyển dụng mong muốn.

Đồng quan điểm, Th.S Nguyễn Quốc Y, Chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng Trường dạy nghề ẩm thực Netspace cho biết: Từng là đầu bếp đi nhiều nơi trên thế giới, tôi thấy rằng nếu muốn hành nghề đầu bếp thì không chỉ phải giỏi tay nghề mà còn phải có những kỹ năng mềm, xử lý tình huống…

Vì vậy, không chỉ dạy cho sinh viên chương trình ẩm thực theo định hướng dạy nghề tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi còn hướng dẫn các em những kỹ năng mềm cần thiết thông qua các buổi giao lưu với đầu bếp nổi tiếng, các cuộc tranh tài nấu nướng…

Cũng theo ông Y: Sắp tới để tạo cơ hội cho học sinh hướng nghiệp nghề đầu bếp; sinh viên năm 1,2 có thêm thu nhập trang trải học hành, chúng tôi sẽ tổ chức khóa ngắn hạn trong 1 tháng để đào tạo các em làm phụ bếp và giới thiệu việc làm cho các em với mức lương khoảng 3,5 triệu/tháng.

Theo Danviet.vn