Lương tối thiểu 2019: Đại biểu Bùi Sỹ Lợi dự đoán tăng 6-7%

(Dân trí) - “Phiên đàm phán lương tối thiểu năm 2019 giữa đại diện công đoàn và giới chủ sử dụng lao động chắc chắn sẽ cam go và căng thẳng. Mức lương tối thiểu năm 2019 còn tăng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Dự kiến biên độ tăng sẽ từ 6-7 %…”

Dù đang tham dự chuyến công tác, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn của Dân trí về diễn biến điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019, đặc biệt là phiên đàm phán đầu tiên, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/7 tại Hà Nội.

Thưa ông, dự kiến sang tuần sau, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên về đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu 2019. Theo ông, các điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay có thuận lợi cho một đề xuất tăng lương tối thiểu ở mức cao hay không?

- Ngay từ đầu năm 2018, một tín hiệu rất vui là tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,38% cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, điều kiện để điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng còn cần dựa trên cơ sở biến động của chỉ số giá sinh hoạt, điều kiện phát triển kinh tế xã hội và quan hệ cung cầu lao động trên thị trường.

loi 1

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Theo Tổng LĐLĐ VN, mức sống tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động mới đáp ứng được 90-92%. Xét điều kiện tăng trưởng và mức sống tối thiểu hiện tại, tôi cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của năm 2019 theo hướng tăng thêm.

Điều này nhằm đảm bảo tiêu chí lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2020. Đó là giới hạn cuối cùng theo lộ trình được Chính phủ cam kết.

Được biết, lương tối thiểu của năm 2018 đã tăng thêm 6,5% so với mức lương của năm 2017, tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Tới thời điểm này, Tổng LĐLĐ VN có thể chỉ đưa ra đề xuất mức tăng khi vào cuộc họp. Trong khi đó, nhiều khả năng, phía VCCI sẽ đề nghị không tăng ở đầu phiên họp. Vậy ông dự đoán ra sao về diễn biến của phiên đàm phán tới đây?


- Vài năm trở lại đây, năm nào các phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng rất căng thẳng, nhất là giữa Công đoàn và Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI), tức là giữa đại diện của giới thợ và giới chủ.

“Mức tăng lương tối thiểu cao hay thấp cần phải tính toán để bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên, vừa bảo đảm cải thiện đời sống của người lao động và duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chống thất nghiệp và thiếu việc làm” - ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Xét cho cùng, đó cùng là điều đương nhiên trong thương lượng, nhất là thương lượng về lợi ích, tiền lương. Tuy nhiên cuối cùng họ sẽ phải đi đến tiếng nói chung, nhằm đảm bảo quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Trước phiên đàm phán, nhiều chuyên gia độc lập dự báo mức tăng lương tối thiểu chỉ từ 5-6%. Ông đánh giá về mức này thế nào? Qua điểm của ông về mức tăng ra sao?


- Trong điều kiện hiện nay, tôi mong muốn lương tối thiểu phải đáp ứng ngay mức sống tối thiểu của người lao động.

Tuy nhiên, tôi băn khoăn về năng suất lao động của nước ta còn thấp. Nhiều năm nay, tốc độ tăng tiền lương bình quân đều nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Dù mức lương tối thiểu vùng không phải căn cứ vào năng suất lao động nhưng có quan hệ mật thiết với chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tôi xin dự đoán mức tăng của năm 2019 sẽ trong biên độ từ 6-7 %, so với mức lương tối thiểu của năm 2018.

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm về việc xác định mức sống tối thiểu.

Hiện nay, mức sống tối thiểu là một khái niệm rất rộng, luôn thay đổi và có nhiều yếu tố nội hàm. Muốn có sự đồng thuận giữa các bên về xác định mức sống tối thiểu, tôi cho rằng cần có một cơ quan độc lập tính toán dựa trên cơ sở khoa học.

Từ đó, kết quả công bố sẽ được dùng làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định thì phù hợp hơn.

Năm 2020 là giới hạn thời gian cuối cùng để tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu. Đây cũng sẽ là áp lực cho công tác tổ chức đàm phán của Hội đồng tiền lương quốc gia năm nay. Tôi hy vọng các bên sẽ có tiếng nói chung nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động” - ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện