1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương công nhân may: Trung bình 4,3 triệu đồng, đạt 75 % mức sống tối thiểu

(Dân trí) - Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) cho thấy lương tháng trung bình của công nhân may chỉ đạt 4,3 triệu đồng, thời gian tăng ca trong tháng vượt từ 90-100% số giờ và đem lại khoảng 22,4% tổng thu nhập.

Lương công nhân may: Trung bình 4,3 triệu đồng, đạt 75 % mức sống tối thiểu - 1

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), công bố kết quả khảo sát tại Hội nghị về tình trạng lao động ngành dệt may và điều kiện cải thiện môi trường làm việc. Chương trình do Tổng LĐLĐ VN và Tổ chức lao động quốc tế tổ chức sáng 2/6 tại Hà Nội.

Lương thấp, đình công cao

Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương cơ bản của công nhân may khá thấp: Trung bình chỉ đạt 4.300.000 đồng/tháng, đáp ứng được 75-80% mức sống tối thiểu.

“Thậm chí tiền lương chỉ cao hơn ngành chế biến nông, lâm thủy sản, ngành điện, điện tử và ngành xây dựng, vận tải, kho bãi” - ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Một trong những điển hình trong ngành may là tình trạng tăng ca. Trung bình, lao động dệt may phải tăng ca từ 47-60 giờ/tháng, trong khi đó quy định pháp luật là 30 giờ/tháng.

Với lương tháng chỉ đạt 75-80% mức sống trung bình, người lao động phải nhờ vào khoản thu nhập từ tăng ca (khoảng 1.300.000 đồng/người) để bù đắp thêm khoảng 22,4% tổng thu nhập.

“Làm thêm giờ nhiều: Pháp luật quy định làm thêm giờ của lao động ngành may tối đa là 300 giờ/năm nhưng thực tế các doanh nghiệp đã cho làm thêm giờ lên đến 500 giờ, thậm chí 600 giờ/năm. Đây có thể là lý do mà phía doanh nghiệp đề nghị sửa đổi pháp luật tăng giới hạn làm thêm giờ lên 600 giờ/năm” - ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Bên cạnh lương, các khoản phụ cấp thấp. Người lao động chỉ có cơ hội hưởng 8 khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác (tiền chuyên cần, nhà ở với mức trung bình khoảng 300.000 đồng/tháng. Thấp nhất trong các ngành thâm dụng lao động.

“Lương thấp là nguyên nhân của trên 80% các cuộc đình công. Đồng thời, lương thấp nhưng thường xuyên bị vi phạm, có tới 60-70% các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về trả lương tăng ca, ngày nghỉ hưởng lương” - đại diện Viện Công nhân và Công đoàn tại Hội nghị cho biết.

Cải thiện bằng cách nào?

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Tiến Thành - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Namyang international, nêu ra những lo ngại khi với thí dụ về môi trường làm việc của một doanh nghiệp dệt may tại khu vực phía Nam với 90 % lao động nữ, 98 % lao động đã ký hợp đồng không xác định thời hạn, mức lương trung bình là 5.500.000 đồng/người/tháng, tuổi đời trung bình là 34 tuổi…

“Vậy vấn đề ở đây là gì? Đây sẽ là thời điểm doanh nghiệp thực hiện “thay máu” lao động, dịch chuyển sản xuất. Đây cũng là thời điểm mà người lao động phải chịu áp lực lớn nhất về năng suất lao động khi tuổi đã cao, mắt mờ và phải đối mặt với nguy cơ mất việc và không xin được việc. Vì hầu hết họ đã ngoài 30 tuổi” - ông Lê Tiến Thành nói.

Chia sẻ một thực tế đáng lo ngại trong ngành, ông Lê Tiến Thành cho biết: Trong các doanh nghiệp dệt may hiện nay đang diễn ra tình trạng thay máu lao động, tìm cách cắt giảm những lao động có tuổi và thâm niên cao. Người lao động ngoài 30 tuổi rất khó xin việc do các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18-35 tuổi là chủ yếu.

Đánh giá về vai trò của lao động ngành may, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết: Ngành dệt may có kinh ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trong cả nước với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10-15 % vào GDP. Lực lượng lao động trong ngành có khoảng 2,5 triệu người, chiếm hơn 20 % lao động khu vực công nghiệp và gần 5 % tổng lực lượng lao động cả nước.

Ông Mai Đức Chính lo ngại: “Lao động ngành dệt may đang đối mặt với nhiều vấn đề như tiền lương, thu nhập còn thấp, thời gian làm thêm và tăng ca nhiều, đời sống khó khăn. Với 80 % lao động là nữ giới, họ phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, thiếu an toàn, ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng”.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn lao động quốc tế còn hạn hẹp, việc cải thiện điều kiện lao động chưa hiệu quả.

“Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cải thiện điều kiện lao động ngành may và để người lao động ngành may được hưởng một phần xứng đáng trong sự phát triển này?” - ông Mai Đức Chính nói.

Về tôn trọng quyền công đoàn, khảo sát cho thấy có sự can thiệp, thao túng hoạt động công đoàn, như: Chi phối bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở (cán bộ quản lý doanh nghiệp tham gia), kiểm soát tài khoản và con dấu của công đoàn; can thiệp sâu vào kế hoạch, nội dung, chương trình hoạt động của công đoàn. Phân biệt đối xử đối với cán bộ công đoàn: không tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ công đoàn hoạt động, luân chuyển, điều động công việc khác với cán bộ CĐ. Cản trở, không ủng hộ thành lập công đoàn cơ sở; Không thiện chí trong thương lượng tập thể, đối thoại.

Hoàng Mạnh