1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hơn 70 tỷ đồng cho đào tạo nghề lao động nông thôn

Hà Nội sẽ triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2016 với tổng kinh phí thực hiện là 70,045 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XHXH), năm 2015, Sở đã dạy nghề cho 30.000 LĐNT trên địa bàn; tuyển mới đào tạo nghề 148.000 lượt người; số lao động được tạo việc làm mới là 142.000 người…Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT trên địa bàn thành phố đã góp phần nâng cao chất lượng LĐNT, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong năm 2016 này, theo Kế hoạch số 37/KH-UBND về triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa được UBND TP Hà Nội ban hành sẽ đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 30.490 lao động nông thôn trong năm 2016, trong đó: Giao các quận, huyện, thị xã tổ chức đào tạo 30.000 lao động (nghề nông nghiệp 15.554 lao động, nghề phi nông nghiệp 14.446 lao động); giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đặt hàng thí điểm dạy nghề nông nghiệp cho 490 lao động.

Về hình thức đào tạo thực hiện ký kết hợp đồng đặt hàng với các cơ sở dạy nghề đáp ứng đầy đủ các điều kiện dạy nghề theo quy định để thực hiện đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn theo quy định.

Ngoài ra, thành phố tổ chức đào tạo cho cán bộ công chức xã từ nguồn kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 do Sở Nội vụ tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo. Mục tiêu của thành phố, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên; các quận, huyện, thị xã đảm bảo 100% lao động nông thôn được tuyên truyền, hiểu biết về chính sách học nghề theo Quyết định 1956.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, đi đôi với tiếp tục quán triệt, triển khai chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai dạy nghề và mô hình điểm; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; phát triển và nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên…

UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện dạy nghề. Ban chỉ đạo 1956 cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực sử dụng phần mềm tin học quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai để quản lý và kiểm soát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo tính hệ thống, tính chính xác kết quả đào tạo nghề lao động nông thôn và việc giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề.

Theo Báo Kinh tế đô thị