1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai: Nhà vườn rộn ràng vào vụ trồng hoa mai sau Tết

(Dân trí) - Nhiều gia đình đã bỏ hàng triệu đồng để mua những chậu mai đẹp về chưng trong nhà. Qua tết, người dân lại "đỏ mắt" tìm nhà vườn nhờ chăm giúp. Chính vì vậy, dịch vụ nhận chăm mai nở rộ khắp phố núi.

Đối với những gia đình đã có kinh nghiệm chưng hoa mai vào những ngày tết thì không mấy khó khăn khi tìm vườn chăm sóc hoa mai uy tín. Tuy nhiên, đối với những gia đình mới chưng hoa mai lần đầu, việc tìm nơi để gửi những chậu hoa thì rất khó khăn.

Gia Lai: Nhà vườn rộn ràng vào vụ trồng hoa mai sau Tết - 1
Các gia đình đã chở đến nhà vườn có dịch vụ nhận chăm mai sau tết

Anh Nguyễn Văn Hùng (tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) tâm sự: “Trước đây nhà tôi thường chưng những chậu hoa cúc vào dịp tết. Nhưng năm nay, ngôi nhà vừa mới được sửa lại khang trang hơn, nên vợ tôi quyết định mua một chậu mai với giá hơn 4 triệu đồng. Sau tết, những cánh mai bắt đầu rụng xuống, gia đình cũng không có kinh nghiệm nên đã đưa cây mai mai đi đến các nhà vườn nhờ chăm sóc.”.

Gia Lai: Nhà vườn rộn ràng vào vụ trồng hoa mai sau Tết - 2
Lượng mai đến gửi rất đông nên các nhà vườn thường hạn định số lượng và tình trạng của mai để nhận chăm sóc

Vườn mai Minh Hào (phường Yên Thế, TP. Pleiku) được xem là nơi nhận chăm sóc nhiều mai nhất ở TP. Pleiku.

“Gia đình chúng tôi bắt đầu mở hàng nhận mai từ ngày mùng 6 tết, đến nay chúng tôi đã nhận hơn 700 cây. Do vườn rộng nên thời điểm này chúng tôi tiếp tục nhận nhưng sẽ chốt sổ đến ngày 20 tháng Giêng”, anh Trương Hoài Phong (Chủ vườn mai Minh Hào) cho biết.

“Nếu cây nhỏ thì chúng tôi chỉ nhận chăm sóc khoảng từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/cây, còn cây lớn hơn thì có giá từ tiền triệu. Nhận chăm sóc như vậy gia đình tôi chịu mọi chi phí từ phân bón, thuốc diệt nấm, thuốc sâu, trả lương nhân công... Mỗi năm, vườn chúng tôi nhận khoảng gần 1.000 chậu mai ở khắp nơi”, anh Phong cho biết thêm.

Gia Lai: Nhà vườn rộn ràng vào vụ trồng hoa mai sau Tết - 3
Mỗi gốc mai được nhận chăm sóc với giá từ 500 - 1 triệu đông. Đối với những gốc mai cổ thụ có giá nhận chăm sóc cả chục triệu đồng

Gia đình anh Lê Quang (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) có vườn rộng hơn 2.000 m2 đất để trồng và chăm sóc cho khoảng 450 đến 500 cây mai.

Anh Quang cho hay: “Ngay sau rằm tháng giêng, gia đình tôi đã ngưng nhận chăm sóc mai vì số lượng mai đã gửi quá nhiều. Tôi thường ưu tiên cho những gia đình là khách hàng của tôi hàng năm. Những ngày gần đây vẫn có nhiều người đến hỏi năn nỉ nhưng tôi không thể nhận được nữa. Vì nhân công và người chăm chỉ nhận khoảng 500 gốc mai, nếu nhận nhiều việc chăm mai sẽ không có chất lượng và khả năng mai nở đúng dịp sẽ thấp hơn".

“Việc chăm mai không dễ vì nếu chăm sóc không tốt, mai thường bị bệnh và chết. Ngoài ra, thời gian cận kề tết mà thời tiết thất thường, mai nở sớm thì các chủ vườn phải đền bù thiệt hại cho các gia đình. Năm vừa rồi, thời tiết cũng thất thường nên hoa mai nở sớm trên 20%, nên các nhà vườn nhận chăm sóc mai hầu như không có lãi.”, ông Quang cho hay.

Gia Lai: Nhà vườn rộn ràng vào vụ trồng hoa mai sau Tết - 4
Việc nhận chăm mai cũng nhiều rủi ro về thời tiết, sâu bệnh nên các nhà vườn cũng hạn chế

Theo các chủ vườn mai ở trên địa bàn TP. Peliku, những ngày trước tết, khách hàng đã đặt chỗ trước nên các chủ vườn đã ưu tiên dành chỗ chăm sóc mai bởi nếu gửi muộn nhiều chủ vườn sẽ không nhận. Đến thời điểm này, hầu hết các chủ vườn mai đã chốt sổ nhận chăm sóc mai.

Ông Nguyễn Văn Thạnh (tổ 7, thị Trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) thông tin, năm nay nhất quyết không nhận chăm sóc mai vì lời lãi không bao nhiêu mà chính ông lại phải chịu những trận chửi của khách hàng.

Ông chia sẻ: “Năm ngoái, tôi có nhận chăm sóc mấy chục chậu mai của khách hàng thân quen. Tuy nhiên, do thời tiết nên hoa nở sớm, lại thêm việc một số cây bị chết khi tôi sử dụng một loại phân bón mới. Khi khách hàng đến, tôi đã đền các chậu mai khác nhưng một số người khó tính không chịu nhận mà còn làm khó. Việc chăm sóc mai rất cực, hàng ngày phải ở vườn tưới cây, tỉa tót, bón phân mà lời lãi chẳng bao nhiêu. Năm nay nhiều người gọi điện đến nhờ chăm sóc giúp nhưng tôi không dám nhận”.

Phạm Hoàng