1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đời cứu hỏa

Những giọt nước mắt đã rơi, thật nhiều trong một buổi sáng đưa tiễn người chiến sĩ Chử Văn Khánh. Khánh ra đi sau 1 tai nạn giao thông khủng khiếp khi xe cứu hỏa va chạm với xe khách trên đường cao tốc hôm 18.3.

Những giọt nước mắt đã rơi, thật nhiều trong một buổi sáng đưa tiễn người chiến sĩ Chử Văn Khánh. Khánh ra đi sau 1 tai nạn giao thông khủng khiếp khi xe cứu hỏa va chạm với xe khách trên đường cao tốc hôm 18.3.

Chấp nhận đời lính cứu hỏa, nghĩa là chấp nhận hy sinh để cứu người. Khánh mất khi cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản. Thương quá, vì em còn quá trẻ…

Những đồng đội của Khánh, không chỉ phải chiến đấu với giặc lửa mà còn tham gia cứu nạn, cứu hộ. Để cứu người không ít người lính cứu hỏa đã hi sinh ở tuổi mười chín, đôi mươi khi sức trẻ còn phơi phới.


Các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội trong một lần chiến đấu với giặc lửa. Ảnh: HL

Các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội trong một lần chiến đấu với giặc lửa. Ảnh: HL

Nhưng cũng chính họ, những người lính cứu hỏa đã truyền tiếp những “ngọn lửa” ân tình, và khát vọng sống cho đời bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, lòng quả cảm với nghề nghiệp.

Xả thân trong khói lửa

Chúng tôi không cầm được lòng mình khi chứng kiến những giọt nước mắt của bố mẹ Khánh và những người thân. Người lính trẻ ra đi khi mới chỉ 26 tuổi. Xuất thân trong 1 gia đình nghèo khó nhưng với tình yêu với nghề nghiệp, với công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu người, anh đã quyết tâm để được đứng vào hàng ngũ những người chiến sĩ PCCC.

Sáng 20.3, trên nền nhạc bài Hồn tử sĩ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đã có mặt tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các nghi lễ viếng và truy điệu chiến sĩ Chử Văn Khánh. Trên khuôn mặt từng người lộ rõ nỗi buồn, tiếc thương khi tiễn đưa người đồng đội của mình. Hàng trăm chiếc vòng hoa trắng được tiến dâng.

Đến giờ tiễn đưa đồng đội, từng chiến sĩ nghiêng mình, bỏ mũ, tiễn chào lần cuối trước khi làm lễ di quan. Lá quốc kỳ được phủ lên chiếc áo quan càng khiến cho mọi người xúc động trước sự hi sinh vì nhiệm vụ, vì sự bình yên của nhân dân. Tại bàn tang lễ, những dòng “Vô cùng thương tiếc” được xuất hiện nhiều lần trước sự ra đi mãi mãi của một người chiến sĩ hi sinh anh dũng.

Chúng tôi tìm thấy ở 1 trang facebook của những người yêu quý lính cứu hỏa thấy những dòng đầy cảm xúc, nhưng cũng rất mạnh mẽ: “Một ngày thật buồn. Toàn thể cán bộ chiến sĩ đều có những tâm trạng buồn bã giống nhau, chúng ta mất đi 1 người đồng đội trẻ tuổi, đối với tôi thì dù không tiếp xúc với em nhiều nhưng ít ra cũng đã từng được phân công nhiệm vụ đi giảng dậy em, đã từng xuống làm việc trực tiếp và chuyện trò vui với em. Với gia đình em thì là một mất mát to lớn, còn với các bạn, các anh cùng làm PCCC với nhau cũng rất buồn...

Cảm ơn em đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho lực lượng Cảnh sát PC&CC trong thời gian chiến sĩ nghĩa vụ... Em yên tâm ra đi nhé... mọi việc tiếp sẽ có anh em bạn bè tiếp tục nhiệm vụ của em của “dân PCCC & Cứu nạn cứu hộ” chúng ta!

Công việc của chúng ta là vậy em à! Không hề đơn giản, rất nhiều nguy hiểm rình rập anh em cán bộ chiến sĩ chúng ta trong các vụ cứu nạn cứu hộ hay là các vụ cháy lớn, nhưng tất cả anh em chúng ta đều là những người thật dũng cảm phải không em? Chúng ta không ngại nguy hiểm gian khó để làm nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Làm tròn nhiệm vụ và tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.

Chúng ta lao vào nơi nguy hiểm trong khi người người chạy ra, chúng ta đâu có nhàn rỗi như mọi người hay nói, cũng tập luyện, mồ hôi với máu của anh em mình cũng đổ nhiều đấy chứ. Bởi vốn dĩ mục đích của anh em mình là cứu người với chữa cháy mà. Công việc mệt, vất vả, nguy hiểm nhưng đôi lúc anh em ta có bạn bè có đồng đội bên cạnh thì mọi mệt mỏi, sợ hãi đều qua đi...

Em đi thanh thản nhé. Ở trên đó phù hộ cho những anh em khác tiếp tục nhiệm vụ gian khó này nhé...

Trước Khánh, cũng gần thôi, lực lượng cảnh sát PCCC cũng mất đi một người lính trẻ: Thượng sĩ Bùi Minh Quý, mới 25 tuổi, trẻ, khỏe và bơi rất giỏi. Quý chính là Tiểu đội trưởng chỉ huy tiểu đội cứu hộ của lực lượng PCCC tỉnh Gia Lai.

Ngày 3.3, 1 xe ôtô chở mía bị kẹt tại đập tràn qua Nhà máy Đường An Khê, thuộc phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Do xe bị chết máy, tài xế bị kẹt lại trong ca bin, nước lũ càng lúc càng dâng cao, đe dọa tính mạng tài xế. Lo ngại đồng đội thiếu kỹ năng, sau khi trang bị dây, phao cứu hộ, Quý một mình bơi ra giữa dòng nước lũ. Bất ngờ, nước lũ đổ về nhanh và siết hơn. Sức trẻ của anh không thể chống chọi với dòng nước lũ oan nghiệt. Sau nước mới rút xuống, các đồng đội tìm thấy Quý tại 1 hốc đá, ngay tại ngầm tràn. Anh bị mắc kẹt và đã hy sinh...

Đời cứu hỏa - 2

Các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội trong một lần chiến đấu với giặc lửa. Ảnh: HL

Mệnh lệnh từ trái tim

4.074 - đó là con số thống kê số vụ cháy xảy ra trên toàn quốc năm 2017. Trong đó có hơn 1600 vụ cháy tại các cơ sở, hơn 2000 vụ cháy nhà dân, 150 vụ cháy rừng, gần 200 vụ cháy phương tiện thông khiến 96 người bị chết, 203 người bị thương và thiệt hại về tài sản ước tính lên tới hơn 2.120 tỉ đồng. Cùng với đó là 21 vụ nổ khiến 11 người chết, bị thương 24 người, thiệt hại về tài sản lên tới hơn 4.164 tỉ đồng.

Trong những sự cố, những vụ hỏa hoạn hay tình huống khẩn cấp cần cứu người, hàng trăm lính cứu hỏa đã không ngại hiểm nguy, nỗ lực thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ một cách nhanh nhất. Trong số đó, không ít người đã phải hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình khi đang trên đường làm nhiệm vụ.

Những người lính cứu hỏa, tuổi đời còn rất trẻ với tình yêu nghề và khát khao cống hiến bằng nhiệt huyết. Họ luôn xác định những nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn nhưng với lý tưởng cứu người cao cả, họ đã sẵn sàng xả thân nghiêng mình thực hiện sứ mệnh của người lính chữa cháy.

Hình ảnh những người lính cứu hỏa sẵn sàng đêm tối, mưa gió xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khi có sự cố xảy ra. Có những lúc họ phải lặn xuống cả những dòng nước sông đen kịt, ô nhiễm nặng, trầm mình xuống dưới để cứu người. Hay có những khi đối mặt với khói lửa, điện giật, ga nổ, lửa bao vây, công trình có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng có tiếng người kêu cứu là họ vẫn sẵn sàng bằng mọi cách để thực hiện cứu hộ, cứu nạn.

Có thể kể đến những vụ việc như năm 2015, khi chữa cháy 1 khoang hàng trong xe container phốt pho tại cảng Nam Hải cả 52 chiến sĩ chữa cháy bị ngộ độc, phải đi cấp cứu. Nhưng họ đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ để ngăn chặn không để đám cháy lan rộng, nếu không khống chế kịp thời sự cố trên có thể dẫn tới ô nhiễm toàn thành phố và chưa biết khi nào mới khắc phục được. Trong những phút giây sinh tử, họ đã sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình để cứu người, vì nhân dân.

Tuy vậy, ước mơ của họ cũng rất giản dị và gần gũi như bao người khác. Khi làm nhiệm vụ, họ lì lợm và can trường, bất khuất khó khăn nhưng cũng là những con người rất giàu tình cảm. Những chai nước, cốc sữa, ổ bánh mỳ… cũng có thể làm họ - những người lính cứu hỏa trở nên ấm lòng. Họ luôn xác định nhiệm vụ cứu người, bảo vệ tài sản là trên hết.

Niềm vui và sự động viên lớn nhất với họ chỉ khi những người bị nạn được cứu thoát, tài sản sau vụ hỏa hoạn không bị thiệt hại quá nhiều. Tình đoàn kết trong công việc cũng luôn được nêu cao, mỗi khi có người nào gặp sự cố, ngay lập tức các đồng đội hỗ trợ. Chính vì thế những chiến sĩ PCCC càng thêm quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất.

Những phút nghỉ ngơi tranh thủ, những bữa ăn vội vàng chỉ có bánh mỳ và sữa rồi vội vã làm nhiệm vụ, không ngại vất vả gian khó đã làm nên những hình ảnh đẹp, giản dị về những người lính cứu hỏa quả cảm thật đáng trân trọng. Những người lính cứu hỏa, những người thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đã sẵn sàng quên mình cứu người bởi mệnh lệnh từ trái tim.

Chia sẻ với PV Lao Động, thượng tá Đỗ Thanh Hải - Trưởng phòng Tuyên truyền và xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - cho biết: Những người lính cứu hỏa phải trải qua quá trình rèn luyện rất gian khổ, tuân thủ kỷ luật một cách nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong quá trình chiến đấu luôn cần tập trung cao độ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp không thể tránh hết những yếu tố bất ngờ xảy ra. Tinh thần của chiến sỹ Khánh cũng như những chiến sĩ cảnh sát PCCC khác luôn lăn xả trong nơi khó khăn, nguy hiểm để cứu hộ, cứu nạn một cách nhanh nhất có thể.

“Trong quá tình tác nghiệp, giữa nguy hiểm cận kề thì người chiến sĩ chữa cháy thì không thể tránh những bất trắc có thể xảy ra. Họ sẵn sàng lao vào sự khắc nghiệt của những đám cháy, nổ, những vụ cháy rừng, lao vào vùng rốn lũ với những hiểm nguy rình rập. Nhưng họ luôn tâm niệm và hi vọng mang tới những điều tốt đẹp, cứu người. Thực sự họ là những mảng sáng trong cuộc sống xã hội muôn màu này” - thượng tá Hải xúc động nói.

Theo Vương Trần/Báo Lao động