Bộ LĐ-TB&XH: Dự báo 3 kịch bản cho thị trường lao động trong tháng 3/2020

(Dân trí) - Tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tuyển dụng lao động giảm từ 20-40% tại nhiều tỉnh và thành phố, trong đó TPHCM và Hà Nội có tình trạng sụt giảm tuyển dụng lớn nhất.

Bộ LĐ-TBXH: Dự báo 3 kịch bản cho thị trường lao động trong tháng 3/2020 - 1

Người lao động tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Sụt tới 40 % nhu cầu tuyển dụng

Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XHXH giữa tháng 3 cho thấy, dịch Covid-19 tác động đến thị trường lao động với mức cầu lao động sụt giảm không nhỏ.

Nhu cầu tuyển dụng ở tất cả các địa phương giảm từ 20-30% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều nơi mức độ sụt giảm cao như: TPHCM tới 40%, TP Hà Nội 36,7%.

Thống kê mới nhất của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, Trung tâm chỉ tiếp nhận được thông tin của gần 700 doanh nghiệp với 7.150 vị trí tuyển dụng.

Do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và kéo theo hậu quả sụt giảm nhu cầu nhân lực. Tình trạng sụt giảm thể hiện rõ nhất ở các ngành sử dụng lao động lớn nhất, như: Dệt may, hàng không, dịch vụ, du lịch.

Các ngành trên thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, cạn kiệt nguồn khách du lịch lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản do không đến hoặc bị tạm dừng cấp thị thực đến Việt Nam vì dịch bệnh.

Nhiều kịch bản trong tháng 3

Theo Bộ LĐ-TB&XH, căn cứ vào dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam và diễn biến của dịch Covid-19, thị trường lao động tháng 3 có thể diễn ra nhiều kịch bản khác nhau.

Trường hợp dịch Covid-19 được khống chế trong tháng 3/2020 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 0,3%-0,5%. Trong điều kiện này, số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ chỉ từ 132.000 - 220.000 lao động.

Trong tình huống dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 1 - 2%. Điều này sẽ khiến số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 440.000 - 880.000 lao động.

Nhận định của Bộ LĐ-TB&XH, kịch bản thứ 2 có nhiều khả năng xảy ra vì dịch còn nhiều diễn biến khó lường.

Ngoài ra, kịch bản về tình huống dịch bùng phát cao hơn, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2-3%. Trong trường hợp này, số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 880.000 đến 1,32 triệu lao động.

Cũng theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.

Với các kịch bản trên, ngay trong tháng 3/2020, áp lực của người lao động mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Mạnh