Thanh tra tình hình sử dụng phần mềm bất hợp pháp vẫn "rộn ràng”

Quyền sở hữu trí tuệ luôn là một đề tài nóng và được coi là một vấn đề cần được quan tâm trên toàn thế giới, bởi có thể coi việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy phát triển nền kinh tế thế giới.

Tại Việt Nam, cùng với việc luật sở hữu trí tuệ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/07/2006, hàng loạt những vụ vi phạm về bản quyền phần mềm đã và đang bị phát hiện cũng như nghiêm khắc xử lý. Theo Nghị định số 47/2009/NĐ-CP được ban hành vào ngày 13 tháng 05 năm 2009 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30 tháng 07 năm 2009, qui định những người vi phạm luật bao gồm việc vi phạm luật Sở Hữu Trí Tuệ có thể bị phạt mức cao nhất lên tới 500.000.000 đồng. Để xóa bỏ nạn vi phạm bản quyền, trước hết chúng ta cần phải hiểu biết và nhận thức rõ hơn về nó để có một cái nhìn rộng và sâu sắc hơn vấn đề vi phạm bản quyền.

Thanh tra tình hình sử dụng phần mềm bất hợp pháp vẫn "rộn ràng”  - 1

Trong năm 2010, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra và xử phạt đối với một số doanh nghiệp đã vi phạm bản quyền phần mềm, trong đó có cả các cửa hàng bán băng đĩa lậu, các doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại Hà Nội và Hồ Chí Minh như Thảo Shop, KT, công ty xây dựng Lê Phan vv...
 
Có thể thấy, kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, tham gia vào sân chơi chung quốc tế, Việt Nam đã chứng minh những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và tầm quan trọng của luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vấn đề tôn trọng bản quyền phần mềm. Công tác thanh tra tình trạng vi phạm bản quyền được tiến hành rất sát sao, đặc biệt, những ngày cuối năm cũng không hề khiến các đoàn thanh tra liên ngành giảm bớt công tác kiểm tra các doanh nghiệp.

Thanh tra tình hình sử dụng phần mềm bất hợp pháp vẫn "rộn ràng”  - 2

Thậm chí những ngày cuối tháng 12, các cơ quan chức năng đã tiếp tục kiểm tra một số khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Hơn 50 khu công nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công ty Toung Loong Textile ở E5-E6 khu công nghiệp Việt Hương 1, công ty Cosmos tại D11-D12 khu công nghiệp Việt Hương 1, công ty Saigon Tan Tec tại khu công nghiệp Việt Hương 2 vv..đã nhận được khuyến cáo từ đoàn thanh tra với hi vọng sẽ chung tay xây dựng một môi trường công nghệ thông tin lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia. Tuy Việt Nam vẫn còn là một trong những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao trên thế giới, trong những tháng vừa qua bức tranh thực thi luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã có những điểm sáng rõ rệt. Các cuộc thanh tra gần đây hi vọng sẽ là lời cảnh tỉnh tất cả mọi người, doanh nghiệp hay tổ chức giúp mọi người có ý thức tốt hơn về tầm quan trọng cũng như những lợi ích lâu dài, đồng thời, tuân thủ luật Sở Hữu Trí Tuệ thông qua việc sử dụng các phần mềm có bản quyền.