Cả xã hội được lợi từ số hóa truyền hình
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Việt Nam đang bắt đầu việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo xu thế chung của thế giới.
Số hóa là xu thế tất yếu
Truyền hình là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội và được nhân dân sử dụng một cách phổ biến. Số lượng người sử dụng dịch vụ truyền hình còn nhiều hơn cả viễn thông. Việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng số hóa và số lượng dịch vụ có ý nghĩa rất lớn trong toàn xã hội.
“Xu hướng số hóa khâu truyền dẫn, phát sóng là xu thế phổ biến trên toàn thế giới và là xu hướng không thể đảo ngược trong tình hình CNTT ngày càng phát triển. Rất nhiều nước đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số và ngừng phát sóng tương tự trên toàn quốc. Điều này mang lại diện mạo mới cho truyền hình mặt đất với nhiều kênh truyền hình chất lượng tốt hơn so với truyền hình tương tự và đóng góp ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và nhu cầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Đề án số hóa còn từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao như HDTV, 3DTV. Mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân số. Đến năm 2020, đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.
Người dân nông thôn sẽ được tiếp cận với truyền hình chất lượng cao
Số hoá truyền hình không chỉ là chuyện chuyển đổi công nghệ mà còn mang lại lợi toàn xã hội. Đặc biệt số hóa truyền hình được coi là một phương thức xóa "vũng lõm" sóng truyền hình một cách nhanh nhất và tiết kiệm nhất. Đối với các khu vực vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, chỉ cần có một bộ đầu thu truyền hình số vệ tinh là người dân có thể xem được hàng chục kênh truyền hình chất lượng cao.
Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số hóa truyền hình cũng đã thống nhất giao các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số toàn quốc là VTV, VTC, AVG triển khai ngay việc phủ sóng đối với 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng. Khởi động là tại Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam sẽ được phủ sóng số từ tháng 9/2013. Theo đó, 3 doanh nghiệp này truyền tải không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu đang được phát sóng trên hệ thống truyền hình tương tự của Trung ương và của các địa phương.
Ba đơn vị lớnVTV, VTC, AVG hiện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ, với nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTV) và truyền hình số qua vệ tinh (DTH) để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
VTC được đánh giá là đơn vị đi tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát sóng số. Từ hơn 10 năm qua, VTC đã phủ sóng truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T trên 47 tỉnh, thành phố, phủ sóng 30% lãnh thổ và 60% khu vực dân cư. Trong đó VTC phát miễn phí (không khóa mã) hơn 30 kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương và địa phương. VTC được đánh giá là doanh nghiệp có nhiều thế mạnh về truyền hình số, cả về vùng phủ sóng số rộng nhất, cũng như kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình.