1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

"Xài chùa" nhạc, ca sĩ có thể bị phạt bao nhiêu tiền?

B.Phương

(Dân trí) - Luật sư Trương Thị Dạ Thảo giải đáp một số vấn đề về pháp lý liên quan đến câu chuyện "xài chùa" nhạc trong showbiz Việt gây ồn ào thời gian qua.

Vừa qua, việc một số ca sĩ như: Đan Trường, Lệ Quyên, Tùng Dương… bị tố biểu diễn các ca khúc thuộc sở hữu của Công ty ACV Entertainment khi chưa được sự đồng ý, đã thu hút quan tâm của khán giả.

Sau đó, đại diện Lệ Quyên, Đan Trường và Công ty Đông Đô Show (đơn vị tổ chức đêm nhạc có sự tham gia của Tùng Dương) đã làm việc với ACV Entertainment, đưa ra lời xin lỗi chính thức đồng thời cam kết sẽ không thể hiện các ca khúc này dưới bất kỳ hình thức nào nữa.

ACV Entertainment cho biết mục đích khi công khai sự việc trước công chúng là mong nhận được lời giải thích rõ ràng kèm theo lời xin lỗi từ các bên. Họ mong đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối phải lên tiếng về vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc.

Xài chùa nhạc, ca sĩ có thể bị phạt bao nhiêu tiền? - 1

Lệ Quyên, Đan Trường vướng ồn ào khi tự ý biểu diễn các ca khúc mà chưa được sự đồng ý của đơn vị nắm bản quyền (Ảnh: Facebook nhân vật).

Trao đổi với PV Dân trí về tình huống vi phạm bản quyền khi cover bài hát hay "xài chùa" nhạc trong showbiz Việt, luật sư Trương Thị Dạ Thảo (văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) đã có những giải đáp dưới góc nhìn pháp luật.

Theo luật sư, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm âm nhạc hiện nay vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của một tác phẩm "phát sinh kể từ thời điểm tác giả sáng tạo ra tác phẩm trên cơ sở độc lập, không sao chép từ các tác phẩm khác và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định". Hay nói cách khác, quyền tác giả của tác phẩm được bảo hộ trên cơ chế tự động phát sinh mà không phụ thuộc vào việc đăng ký hay không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Dạ Thảo cho biết khái niệm "cover bài hát" được hiểu là việc một cá nhân hoặc nhóm người hát lại bài hát dựa trên giai điệu, ngôn từ của bài hát gốc. Bản cover có thể được hòa âm, phối khí lại hoặc viết lời mới bằng ngôn ngữ khác hoặc biểu diễn theo phong cách mới được xuất bản và phát hành trên các phương tiện như Facebook, YouTube, mạng Internet.

"Trong trường hợp cover bài hát hoặc biểu diễn bài hát trước công chúng mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và không trả thù lao là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ", luật sư Dạ Thảo khẳng định.

Nếu thuộc trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút theo quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, thì tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm "không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm".

Luật sư Dạ Thảo giải thích, theo quy định về xử phạt vi phạm quyền tác giả tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, việc cover bài hát hoặc biểu diễn trái phép, có thể bị phạt tiền lên đến 15 triệu đồng với cá nhân, 30 triệu đồng với tổ chức. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số.

Chính vì vậy, các cá nhân trước khi cover bài hát hoặc biểu diễn bài hát của người khác trước công chúng thì cần phải thực hiện việc xin phép, thanh toán quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật, để tránh gặp phải những rủi ro pháp lý đáng tiếc.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thị Dạ Thảo cũng cho rằng quá trình liên hệ xin phép, thanh toán tiền nhuận bút cho tác giả vẫn còn những khó khăn nhất định. "Không thể phủ nhận những khó khăn của các tổ chức, cá nhân trong việc liên hệ với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả để thực hiện nghĩa vụ xin phép, thanh toán tiền nhuận bút, thù lao theo quy định của pháp luật", luật sư nói.

Hiện nay, các chủ thể quyền tác giả thường sẽ ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để đại diện làm việc với các tổ chức, cá nhân có mong muốn sử dụng bài hát để thu phí tác quyền. Tuy nhiên, không phải bài hát nào cũng do VCPMC quản lý. Nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân phải tự tìm cách liên hệ với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ xin phép trên thực tế.

Ngoài ra, về phía các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, khi phát hiện ra hành vi xâm phạm bản quyền thì thường có tâm lý e ngại tiến hành thủ tục pháp lý. "Quy trình tố tụng để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thường tốn rất nhiều thời gian và công sức để chứng minh hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế phát sinh nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại", luật sư cho biết thêm.