1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Vụ trùng tu bia Quốc học Huế sẽ được điều chỉnh như thế nào?

(Dân trí) - Việc điều chỉnh màu sắc, một số chi tiết họa tiết... trên bia Quốc học Huế sẽ được chỉnh sửa, thay thế sau Tết Nguyên đán 2017.

Ngày 20/1 theo tin từ UBND TP Huế đã ban hành Thông báo về kết luận của Chủ tịch UBND TP Huế tại buổi thảo luận, nghe ý kiến về việc trùng tu bia Quốc Học. Trước đó ngày 17/1, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế đã chủ trì buổi thảo luận, nghe ý kiến góp ý về việc Trùng tu Bia Quốc học với nhiều cá nhân, đơn vị liên quan và các nhà nghiên cứu Huế.

Qua buổi thảo luận, kết luận Trung tâm Công viên Cây xanh Huế và các đơn vị tư vấn đã có báo cáo đầy đủ chi tiết quá trình chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư, công tác khảo sát - đánh giá hiện trạng, công tác lập hồ sơ dự án - thiết kế thi công bia Quốc Học đúng theo quy định. Tư vấn đã nắm rõ vấn đề, đã có các giải pháp phù hợp; tâm huyết và có trách nhiệm với công trình.

Tuy nhiên, UBND TP Huế và các đơn vị của thành phố cần rút kinh nghiệm vì nếu sớm có báo cáo, giải trình sẽ giúp dư luận, thông tin báo chí hiểu rõ hơn bản chất vấn đề, tạo được sự đồng thuận cao; cũng như cần có tham vấn rộng hơn, nhất là với các chuyên gia, nhà nghiên cứu có ý kiến trước khi triển khai.

Bia Quốc Học đang được trùng tu cơ bản hoàn tất
Bia Quốc Học đang được trùng tu cơ bản hoàn tất

Công trình được trùng tu theo đúng nguyên gốc. Riêng phần họa tiết có ghi tên ở giữa mặt trước bia như tư liệu ảnh thì không phục hồi và giữ nguyên như các lần tu sửa trước năm 1954 và trước năm 1976-1977. Tuy nhiên, có 2 nội dung cần được xem xét và chỉnh sửa:

- Về màu sắc là đúng theo màu gốc nhưng cần có điều chỉnh về gam màu cho phù hợp. Việc xác định màu sắc qua ảnh chụp, nhất là các ảnh được chụp lại từ các ảnh gốc... là khó có thể chính xác nên ghi nhận phương pháp xác định màu thực tế từ hiện trạng như ý kiến của đơn vị tư vấn và một số nhà nghiên cứu. Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và tư vấn Giám sát phải làm mẫu màu để lựa chọn thông qua hội đồng do Thành phố chỉ định để lựa chọn, được thực hiện trong tháng 2/2017.

- Một số chi tiết, họa tiết, hoa văn trang trí như: đắp nổi họa tiết hình lá quanh họa tiết gốm ở trụ lan can đã bị hư hỏng hoàn toàn do thời gian; nhưng đơn vị thi công đã thực hiện không đảm bảo độ chính xác và chất lượng như nguyên mẫu gốc. Các chi tiết này cần phải được chỉnh sửa, thay thế sau Tết Nguyên đán 2017.

Tấm phù điêu trước khi trùng tu có đầy đủ nhụy, cánh hoa
Tấm phù điêu trước khi trùng tu có đầy đủ nhụy, cánh hoa
Và sau khi trùng tu, các họa tiết đã bị cạo hết và thay lại bằng phù điêu mới
Và sau khi trùng tu, các họa tiết đã bị cạo hết và thay lại bằng phù điêu mới

Như Dân trí phản ánh, qua việc trùng tu bia Quốc Học đã gây xôn xao dư luận khi hầu hết họa tiết, hoa văn cũ bị cạo sạch và thay thế các họa tiết, hoa văn mới nhưng không giống. Bên cạnh đó màu sơn tại bia cũng được cho là màu quá mới, lòe loẹt.

Theo UBND TP Huế, công trình Bia Quốc học được xây dựng từ năm 1920, có tên gọi trước đây là “Đài Tưởng niệm Chiến sĩ Trận Vong” đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bộ phận kết cấu đã bị nứt, gãy, có nguy cơ bị sụp đổ; cần phải được trùng tu, tôn tạo, gia cố sửa chữa một cách đồng bộ, triệt để, đảm bảo độ bền lâu dài, thẩm mỹ. Việc dự toán 1.772.000.000 đồng cho phần chi phí xây lắp công trình để trùng tu, tôn tạo và 721.000 triệu đồng cho hệ thống điện chiếu sáng, trang trí phục vụ công trình là cần thiết và phù hợp.

Bia Quốc Học trùng tu xong khiến dư luận Huế dậy sóng
Bia Quốc Học trùng tu xong khiến dư luận Huế dậy sóng

“Đây là công trình chưa được công nhận là di tích, nhưng rất có giá trị về lịch sử, giá trị kiến trúc - nghệ thuật, giá trị về văn hóa. Do vậy cần được ứng xử như một công trình di tích. Chủ đầu tư phải lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, có năng lực phù hợp với công trình văn hóa di tích để khảo sát, lập thiết kế - dự toán công trình. Các đơn vị phải khảo sát, đánh giá kỹ về hiện trạng, chất lượng còn lại của từng cấu kiện, chi tiết, hoa văn trang trí; từ đó đưa ra phương án thiết kế, trùng tu, tôn tạo, gia cố sửa chữa hợp lý và đảm bảo nguyên tắc theo đúng nguyên mẫu gốc. Chú ý xử lý triệt để chống nứt, gãy ở phần móng tường, nền nhà bia; chú ý xử lý phần chân móng tiếp giáp với nền hiện trạng. Màu sắc từng chi tiết phải xử lý sao cho hài hòa, hợp lý đối với công trình cổ...” – ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế

Đại Dương