Vợ chồng Hà Nội vác 100 bao đất lên sân thượng, làm vườn hữu cơ xanh mướt
(Dân trí) - Để thực hiện ước mơ làm vườn trên sân thượng 80m2, vợ chồng chị Hòa phải chuyển 3 khối đất thịt, gần 100 bao đất đã qua xử lý, 20 bao phân bón cùng vỏ thùng sơn và chậu các loại lên sân thượng tầng 8.
Chị Phạm Thị Hòa (36 tuổi) và chồng là anh Phạm Quang Định (38 tuổi) đều kinh doanh trong lĩnh vực đá quý. Dù bận rộn với công việc nhưng cả hai rất đam mê làm vườn, muốn con cái được sống gần gũi với thiên nhiên. Vì vậy, ngay sau khi xây nhà, anh chị liền bắt tay vào vận chuyển đất, phân bón lên sân thượng tầng 8 để bắt đầu hành trình làm "nông dân sân thượng".
"Sân thượng rộng và có view thoáng đãng nên ban đầu vợ chồng mình dự định cho thuê để bán cà phê. Nhưng vì đam mê trồng hoa và muốn có nguồn thực phẩm sạch cung cấp bữa ăn cho gia đình, con cái được gần gũi với thiên nhiên nên mình đã quyết định thử làm "nông dân"", chị Hòa chia sẻ.
Khâu vận chuyển đất là công đoạn vất vả nhất, vợ chồng chị phải chuyển 3 khối đất thịt, gần 100 bao đất đã qua xử lý và 20 bao phân bón các loại. Để tiết kiệm chi phí, chị tận dụng thùng xốp, vỏ thùng sơn từ quá trình xây nhà để làm các chậu trồng rau và cây ăn trái. Chị xây bồn bao quanh sân thượng để trồng nhiều giống hoa hồng khác nhau.
Dù xuất thân từ quê nhưng chưa từng làm công việc đồng ruộng, vì vậy vợ chồng chị Hòa không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt mà trồng theo phỏng đoán, cảm tính nên gặp thất bại ngay từ lứa cây đầu tiên.
Nhiều loại cây do trồng sai cách nên không phát triển, ngập úng và chết. Sau đó, chị Hòa bắt đầu tìm hiểu các hội nhóm trên mạng xã hội để học hỏi bí quyết, kinh nghiệm của những người trồng trọt lâu năm.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất sau gần 4 tháng tập làm nông dân là phải đào hết cây đã trồng lên để làm lại hệ thống thoát nước: "Giai đoạn đầu vợ chồng mình cũng hơi nản nhưng vẫn cố và quyết định đào hết cả vườn lên để xử lý lại hệ thống thoát nước. Đất, phân bón tràn ngập sân thượng rất bừa bộn, khâu dọn dẹp rất vất vả nhưng cuối cùng cũng được đền đáp thành quả xứng đáng", mẹ đảm chia sẻ thêm.
Về rau trái, chị ưu tiên chọn các loại dễ chăm sóc, theo mùa và nhanh cho thu hoạch như các loại rau thơm: húng quế, húng bạc hà, kinh giới, lá lốt, xương sông, rau mùi tàu, diếp cá, hành và một số loại rau ăn lá như: rau muống, rau cải, xà lách,…
Ngoài ra chị còn trồng thêm cả cây ăn quả: Sung, đu đủ, dưa lê, dưa chuột.
Sau 4 tháng làm "nông dân sân thượng", chị Hòa đúc rút được kinh nghiệm, quan trọng nhất phải xử lý đất trước khi trồng. Những lứa cây đầu, chị trồng hoàn toàn bằng đất thịt không qua xử lý nên cây chậm lớn.
Vì vậy, khi quyết định trồng lại lứa cây mới, chị trộn lại đất thịt với giá thể, phân bón và đặt nấm tricodema để tránh bệnh cho cây. Chồng chị Hòa nhiều kinh nghiệm hơn, anh chủ yếu trồng và chăm cây ăn trái, rau, còn chị chăm sóc những luống hoa hồng.
Chị sử dụng phân trùn quế, phân gà, phân bò, dịch chuối và tận dụng nước vo gạo để qua đêm bón cho cây. Cây hoa bị rệp thân, mẹ đảm thường trị bằng cách dùng dầu ăn và dầu rửa bát, phun phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học.
Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng gia đình chị gặt hái được thành quả, dù chưa nhiều nhưng cũng đủ để các thành viên trong gia đình có thêm niềm vui mỗi ngày.
"Kể từ khi tự tay trồng được hoa, mình thường dậy sớm ngắt hoa vào cắm ở các phòng. Hai tháng ở nhà giãn cách gần như không phải mua rau, ngoài ra dưa chuột và dưa lê cũng đã bắt đầu cho thu hoạch", chị Hòa cho biết thêm.
Đều đặn vào sáng sớm và chiều tối mỗi ngày, vợ chồng chị Hòa sẽ lên thăm vườn và chăm bón cho những luống hoa, chậu cây ăn trái. Vì làm việc ngay tại nhà nên cũng thuận tiện cho việc chăm sóc vườn. Mảnh vườn nhỏ này chính là "món ăn" tinh thần cho cả gia đình, nhất là trong những ngày phải ở nhà giãn cách.