Uống cà phê làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19?

Thảo Trinh

(Dân trí) - Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (Mỹ), những người thường xuyên uống cà phê có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn so với những người không uống.

Hãng tin Sputnik mới đây cho biết, các nhà khoa học tại ĐH Northwestern, bang Illinois (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, uống cà phê thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc Covid-19.

Theo đó, nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu do UK Biobank - ngân hàng sinh học Anh thu thập được trên gần 40.000 người trưởng thành, bao gồm cả thói quen dinh dưỡng của họ từ năm 2006 đến năm 2010.

Uống cà phê làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19? - 1

Các nhà nghiên cứu tại ĐH (Mỹ) mới thực hiện một nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 (Ảnh: Worldatlas).

Mục đích của cuộc nghiên cứu là nhằm xem xét liệu có mối liên hệ nào giữa việc tiêu thụ các loại thực phẩm và thức uống như cà phê, trà, thịt đã chế biến, thịt còn sống, trái cây, rau và các loại cá với khả năng lây nhiễm Covid-19 hay không.

Kết quả được công bố trên tạp chí Nutrients đã chỉ ra rằng, "việc giữ thói quen tiêu thụ một hoặc nhiều tách cà phê mỗi ngày có khả năng làm giảm khoảng 10% nguy cơ mắc Covid-19 so với những người uống ít hơn một tách/ngày". 

Điều này được các nhà khoa học giải thích bằng các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm có trong cà phê, những thành phần có thể giảm bớt các hội chứng liên quan đến "mức độ nhiễm và tử vong do Covid-19".

Uống cà phê làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19? - 2

Uống cà phê còn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi ở người cao tuổi (Ảnh: The Jakarta Post).

"Việc tiêu thụ cà phê có tương quan với các dấu hiệu sinh học gây viêm như CRP, interleukin-6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u I (TNF-I). Tác dụng bảo vệ hệ miễn dịch của cà phê chống lại virus này là khả thi và cần được nghiên cứu thêm", nhóm tác giả nghiên cứu kết luận.

Các chuyên gia cho rằng, nên cân nhắc sử dụng liều lượng uống cà phê mỗi ngày sao cho hiệu quả. Tiến sĩ Vivek Jha, chuyên gia tư vấn cấp cao tại bệnh viện Fortis (Ấn Độ) khuyến cáo mọi người không nên uống quá 3-4 cốc cà phê mỗi ngày.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, hợp lý cũng có thể giúp con người tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế sự lây lan của virus. 

Uống cà phê làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19? - 3

Nhờ đặc tính chống oxy hóa và kháng viêm mà cà phê được xem là có khả năng giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 (Ảnh: Health).

Theo Sputnik, các nhà khoa học cũng nghiên cứu mối tương quan tương tự của Covid-19 với các thực phẩm khác. Kết quả cho thấy, trong khi các loại thịt chế biến (như xúc xích và giăm bông) không có khả năng làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì việc tiêu thụ rau tươi hàng ngày có tác dụng ngược lại. 

"Mặc dù những phát hiện này vẫn chưa được xác thực rộng rãi, song việc tuân theo một số chế độ ăn uống có thể là một công cụ bổ sung cho các biện pháp phòng ngừa Covid-19 hiện có để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này" - các nhà khoa học tại ĐH Northwestern nhận định.