"Ước vọng về quốc gia lập trình" - Câu chuyện khởi nghiệp kiểu... loài gián

Tô Sa

(Dân trí) - Cuốn sách "Ước vọng về quốc gia lập trình" dành cho người khởi nghiệp và dân công nghệ, kêu gọi mọi người tham gia vào thế hệ công dân số, góp sức cho cuộc cách mạng 4.0.

Tháng 9, Nhà xuất bản Trẻ phát hành cuốn sách Ước vọng về quốc gia lập trình của tác giả Nguyễn Thanh Tùng (Đồng sáng lập, CEO một hệ sinh thái Giáo dục công nghệ - Khởi nghiệp). 

Cuốn sách kết cấu như "bản đồ kho báu" của hải tặc với hai hải trình lớn, được viết dưới hình thức tự truyện. 

Phần đầu là 5 "hải cảng" mà tác giả đi qua, tương ứng với những lần từ bỏ và chuyển hóa trong hành trình 10 năm thử - sai.

Đó là chuỗi giai đoạn tác giả bỏ học đại học, từ bỏ công việc lập trình viên quốc tế, khởi nghiệp, phá sản công ty đầu tiên, dừng ứng tuyển học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh, đặt nền móng cho tổ chức giáo dục công nghệ phi lợi nhuận...

Hải trình thứ hai là 5 "kho báu" mà ông Tùng và đồng đội đã "khám phá" ra: phát triển tổ chức giáo dục, gọi vốn đầu tư mạo hiểm từ quỹ quốc tế ngay trong dịch Covid-19.

Với tổng số vốn kêu gọi hơn 18 triệu USD, tác giả đã đưa tổ chức ban đầu trở thành công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục công nghệ có tầm vóc lớn ở Đông Nam Á. 

Ước vọng về quốc gia lập trình - Câu chuyện khởi nghiệp kiểu... loài gián - 1

Bìa sách "Ước vọng về quốc gia lập trình" (Ảnh: NXB Trẻ).

Ngay từ đầu, tác giả đã khát vọng trở thành "kỳ lân" nhưng cần phải thực tế và có lối đi riêng. Ông và cộng sự đã chọn theo tinh thần của "loài gián".

"Doanh nghiệp khởi nghiệp thật sự tức là dù khó khăn thế nào cũng không quật ngã được tinh thần khởi nghiệp. Đó chẳng phải giống gián sao, hoàn cảnh càng khó khăn, sức sinh tồn lại càng mạnh mẽ, càng tạo ra những cách tồn tại không thể ngờ trước được… Càng nhiều vấn đề, càng quyết tâm giải quyết vấn đề", ông Tùng nói.

Đoạn hội thoại thú vị giữa ông và người đồng sáng lập đã nói lên ý chí mạnh mẽ:

"Một buổi tối đầu đợt giãn cách lần 2 (tháng 5/2021), Hà San (cánh tay phải kiêm cánh tay trái của công ty) có hỏi: "Trong trường hợp xấu nhất công ty phải đóng cửa thì sao, anh có lo lắng không?".

Tôi thật sự thấy bình thản mà trả lời: "Thì mình mở tiếp công ty khác, Covid-19 rồi cũng sẽ qua, dịch bệnh mới có thể ập đến, nhưng tinh thần của người khởi nghiệp thì còn mãi".

Trong cuốn sách, tác giả cũng chia sẻ những bước đi và thành quả đạt được trên con đường hiện thực hóa ước vọng về quốc gia lập trình: triển khai chương trình dạy tin học, trở thành đối tác chiến lược bảo trợ, đối tác triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (giai đoạn 2022-2025)"...

Ước vọng về quốc gia lập trình không hô hào cổ động lớn lao, không tô hồng thành tích, không ngại ngùng viết về những thất bại, bước chuyển gập ghềnh của bản thân. Cuốn sách khích lệ tinh thần "sai và sửa sai" nơi thế hệ trẻ. 

Với tác giả, khuyến học 4.0 ++ (đổi mới học tập trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và có lẽ là 5.0, 6.0 trong thời gian sắp tới) sẽ đi liền với hình ảnh "quốc gia lập trình".

Đó là nơi mỗi chúng ta trở thành một công dân số có hiểu biết và năng lực về công nghệ, trở thành một hạt nhân sáng tạo của đất nước. Các thế hệ tiếp bước nhau đóng góp cho sự đột phá chung của nhân loại, của lịch sử.

Bằng giọng văn giản dị, hài hước và gần gũi với người đọc, tác giả đan xen câu chuyện khởi nghiệp với các vấn đề xã hội, giáo dục khác có tính thời sự cao.

Lý giải về nhan đề phụ của sách: Từ tiếng Anh đến tiếng Code, ông Tùng dẫn chứng mỗi cuộc cách mạng đều kéo theo một ngôn ngữ mới, là minh chứng cho những thành quả mà nó đem lại cho quần chúng.

Nước Nhật hậu Minh Trị có từ điển mới dành cho thuật ngữ kỹ thuật. Châu Âu hậu Cách mạng Công nghiệp lần hai chìm trong ngôn ngữ của truyền thông đại chúng (quảng cáo, phim câm, nhiếp ảnh).

Trong thế giới hậu Cách mạng Công nghiệp lần ba, theo cuốn sách Thế giới phẳng (Thomas Friedman), tất cả quốc gia bị cuốn vào cuộc chơi toàn cầu hóa (do sự phát triển vượt bậc của điện toán - Internet) buộc phải lựa chọn chung một ngôn ngữ. Hoa Kỳ, kẻ dẫn đầu cuộc chơi, đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ toàn cầu.

Và với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ và các kỹ năng đặc thù của nó trở thành ngôn ngữ mới của toàn nhân loại.

"Lập trình không chỉ là một lĩnh vực nghề nghiệp, mà là một loại ngôn ngữ. Như mọi ngôn ngữ khác, ngôn ngữ lập trình là phương tiện giao tiếp, đồng thời là công cụ tư duy.

Người học ngôn ngữ này phải phát triển toàn diện về tư duy để giải quyết được các vấn đề của cuộc sống bằng công cụ lập trình và giao tiếp bằng phương tiện lập trình hướng đến mục tiêu chung sống ở cấp độ toàn cầu", tác giả lý giải.