Từ chuyện nhà Lang bị cháy đến chuyện “thiếu văn hóa” của nhiều người Việt

(Dân trí) - Nhiều nhà văn hóa, nhà xã hội học đã đặt câu hỏi, họ không thể giải thích được vì sao lại có người nướng ngô làm cháy nhà Lang trăm tuổi? Tại sao trên tường của chùa Bút Tháp lại chi chít những dòng chữ “Anh yêu em”, “Nếu không lấy được Lan anh sẽ chết”..?!

Mới đây, câu chuyện ngôi nhà Lang trăm tuổi cuối cùng của dân tộc Mường bị cháy được nhắc lại trong sự tiếc nuối, đau xót của nhà nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Các nhà văn hóa kêu gọi cộng đồng hãy ra tay “cứu giúp” để có thể phục dựng lại căn nhà Lang trăm tuổi này. Nói như họa sĩ, nhà phê bình nghiên cứu mĩ thuật Phan Cẩm Thượng, “Ngôi nhà Lang cuối cùng của dân tộc Mường bị cháy thực sự là một niềm đau xót. Mọi người hãy cùng ra tay kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để chúng ta lại có thể nhìn thấy ngôi nhà Lang (dù không thể được như bản gốc) nữa”.

Nhắc lại chuyện ngôi nhà Lang trăm tuổi cuối cùng bị cháy, họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhắc đi nhắc lại vấn đề về thái độ gìn giữ, bảo vệ các công trình văn hóa dân tộc của người Việt còn rất kém.

Ngôi nhà Lang của dân tộc Mường...
Ngôi nhà Lang của dân tộc Mường...

Và những gì còn sót lại sau đám cháy hồi tháng 10/2013.
Và những gì còn sót lại sau đám cháy hồi tháng 10/2013.

Họa sĩ Thành Chương kể, “Tôi không thể hiểu được tại sao có người đến thăm phủ của tôi có thể dúi ngay điếu thuốc lá đang hút dở vào mái lá nhà sàn. Thậm chí có cả nhóm khách đến ngồi cạnh đó hút thuốc vứt bừa bãi những điếu thuốc hút dở ra xung quanh. Tôi “nhắc nhở” họ bằng cách đích thân ra cúi lưng nhặt từng điếu thuốc hút dở bỏ vào thùng rác. Nhưng chỉ một lúc sau, lại có một nhóm khác đến, và họ vẫn thản nhiên ngồi hút thuốc và vứt ra như vậy”.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng còn kể thêm, “Các bạn cứ đến Bút Tháp mà xem, ở trên mặt tường chi chít các dòng chữ Anh yêu em, rồi “Nếu không lấy được Lan anh chết mất”… Tôi thực sự không thể giải thích được tại sao nhiều người Việt của mình ý thức gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc lại kém đến thế!”.

Họa sĩ Thành Chương
Họa sĩ Thành Chương

Tháng 10/2013, báo chí và dư luận đã vô cùng phẫn nộ khi ngôi nhà Lang trăm tuổi cuối cùng của dân tộc Mường bị cháy vì 4 du khách Việt… nướng ngô. Việc mất đi ngôi nhà Lang đến bây giờ vẫn là sự hối tiếc khôn nguôi của các nhà nghiên cứu văn hóa.

Theo họa sĩ Thành Chương, “Chỉ cần 2 đêm nhậu của các đại gia là đã có thể phục dựng lại được ngôi nhà Lang rồi. Việc bảo tồn văn hóa là cả một hành trình vô cùng gian khổ và ít được quan tâm. Tôi thực sự mong, đã đến lúc, cộng đồng quan tâm hơn đến văn hóa và có ý thức hơn về việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng chung ta “cứu giúp” nhà Lang, các nhà văn hóa “khẩn thiết” kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm hơn trước các công trình văn hóa và các giá trị văn hóa lâu đời. “Phá hủy một ngôi đình, một ngôi chùa, một di sản văn hóa nào đó, là chúng ta sẽ bị mất chúng vĩnh viễn. Ngay cả phục hồi lại thì đó cũng chỉ là một bản “copy”, không còn là bản gốc quý giá nữa. Về ngôi nhà Lang cũng vậy, phục hồi lại nó là việc quan trọng cần làm, nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, ngôi nhà trăm tuổi kia đã vĩnh viễn mất”- họa sĩ Phan Cẩm Thượng phát biểu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trước câu chuyện phục hồi lại ngôi nhà Lang, nhà sử học Dương Trung Quốc có cái nhìn lạc quan hơn rằng, việc ngôi nhà Lang cháy đã cháy rồi, việc phục hồi lại nó trong bảo tàng là để “tạo một câu chuyện về dòng chảy của lịch sử”. Và theo ông Dương Trung Quốc “Chuyện cháy nhà Lang sẽ nối dài thêm những câu chuyện lịch sử về nhà Lang. Khi đến thăm ngôi nhà Lang được dựng lại, người ta sẽ kể về việc nó từng bị cháy như thế nào, và rồi được phục hồi lại ra sao… Chính sự biến thiên do ý thức xã hội ấy sẽ tạo ra thêm một câu chuyện có chiều dài lịch sử cho nhà Lang. Thậm chí, biến cố xảy ra có thể làm cho câu chuyện có sự thú vị riêng”.

Và cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc phục dựng lại nhà Lang cũng không quá khó, chỉ cần cộng đồng chung lòng, góp sức góp của. “Chúng ta có thể phục dựng lại ngôi nhà Lang. Có thể tận dụng tối đa những gì còn lại. Quan trọng nhất là không gian Mường bên trong ngôi nhà, để có những hiện vật biểu trưng của văn hóa Mường trưng bày bên trong sẽ không đơn giản”- nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.

H.H